Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Nét đẹp đời thường

Nhà thơ, nhà báo Lại Hồng Khánh - “ Một đời Văn Chương ”

Thứ hai , 25/10/2021 | 23:57 GMT+7
Viết về nhà thơ, nhà báo Lại Hồng Khánh - Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, đã có nhiều tác giả tốn rất nhiều giấy mực.
Nhưng với tôi, một người cùng quê hương Phú Xuyên, chứng kiến những bài thơ đầu của ông được phổ nhạc làm nền cho các chương trình truyền thanh của Huyện và cơ sở. Nhiều bài được đội văn nghệ huyện “ mang chuông đi đánh xứ người” đều đạt giải cao. Các kỳ đại hội của huyện, những bài hát có lời thơ của ông lại vang lên làm mọi người thêm tự hào về quê hương yêu dấu của mình. Phú Xuyên trong lời thơ Lại Hồng Khánh có cả một thời gian khó, một thời giàu có, một thời vinh quang. Dù là một người lãnh đạo làm chính trị nhưng ông luôn say mê sáng tác. Hơn 70 tuổi đời, trên 31 năm cầm bút, hơn 20 năm trải qua nhiều trọng trách từ cơ sở đến thành phố, ông đã cho ra đời 22 tác phẩm (thơ và truyện ký) chưa kể những tác phẩm ông đang ấp ủ thai nghén sắp ra đời. Thật là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo, miệt mài như một người thợ xây cần mẫn. Từ viên gạch thô sơ ban đầu đã thành một biệt thự nguy nga trong lâu đài văn chương.
“ Giọt thời gian ” - lấp lánh rơi,
“ Ánh trăng ngày ” dấu vào nơi thị thành.
“ Tháng 5 nỗi nhớ ” còn xanh
“ Trái tim mùa hạ ” trổ nhành, đơm bông .
“ Với thu ” anh giấu trong lòng
“ Vầng trăng Kinh Bắc ” tỏa trong đóa cười
“ Cánh rừng ghi dọc ” người ơi,
“ Trắng câu đò gọi ”- một đời văn chương.
( Tên các tác phẩm của Lại Hồng Khánh do nhà thơ Phạm Phương Thảo ứng tác).

 

Là một người thành đạt trong sự nghiệp và cuộc sống, nhưng ông lúc nào cũng vậy: nho nhã, lịch thiệp, cởi mở, dễ gần. Khi được hỏi vì sao khi còn là một lãnh đạo bận rộn, ông vẫn dành nhiều thời gian cho văn chương. Ông cười mãn nguyện chỉ tay về phía người vợ hiền đang pha trà mời khách và trả lời:
“ Đây không chỉ là hậu phương vững mạnh, một bến bờ bình yên, “ cơm lành canh ngọt ” của tôi mà còn là cảm hứng cho những bài thơ về tình yêu, quê hương, gia đình.  Nhiều bạn trẻ yêu nhau hoặc gặp nhau trong đám cưới nghe đọc bài thơ của tôi mà nên vợ nên chồng, như bài:
Chúng mình là tài sản của nhau
Không bán - mua chỉ tận lòng dâng hiến
Không phung phí cũng không hà tiện,
Để mãi còn tài sản cho nhau.
Ông và vợ ông - bà Vũ Thị Đua, đã từng có mối tình đẹp “ cách nhau cái dậu mồng tơi”. Hồi đó ông còn là một anh lính trẻ lãng mạn, yêu đời, yêu say đắm cô thôn nữ với đôi bàn tay khéo léo thêu những bức tranh quê. Hai nhà chỉ cách nhau cái ao nhỏ. Ông bà đã nên duyên cầm sắt. Suốt thời gian công tác, bà Vũ Thị Đua luôn đảm đang việc nhà, chăm sóc con cái. Tình yêu của ông bà kết trái ngọt ngào bằng ba người con giỏi giang, thành đạt, hiếu nghĩa:
Một chị lớn là Trung tá, công tác trong cơ quan xuất nhập khẩu ở Hà Nội.
Anh thứ hai là họa sĩ, đang làm giảng viên hội họa ở Úc.
Cô út là nhà báo ở truyền hình VTV1, đã có tác phẩm từng đoạt giải Cánh Diều Vàng.
Bây giờ cũng vậy, dù cả hai ông bà đều trên, dưới 70, nhưng bà vẫn ân cần, chăm sóc ông hết lòng để ông yên tâm dồn trí, lực vào cây bút. Tôi nhớ đến Pushkin - nhà thơ vĩ đại của mọi thời đại, đã từng ví vợ mình như “mặt trời của thi ca”. Còn riêng Lại Hồng Khánh luôn coi gia đình là bếp lửa hồng ấm cúng để ông “ra lò” những tác phẩm của mình.

 

Năm 2019, ông vinh dự đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Chung vui, hãnh diện với sự kiện trang trọng đó luôn có người bạn đồng hành, người bạn lòng tri kỷ của ông: bà Vũ Thị Đua. Ngoài cuộc sống thành đạt, viên mãn ông còn có cách sáng tác rất riêng của mình. 8 tập thơ “Chở đầy thời gian”, ông viết liên tục từ năm 2014 đến năm 2019. Với loại hình thơ ngắn, mỗi bài chỉ mấy câu, nhưng ông đã thể hiện thành thơ, cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân đất Việt, những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ tài hoa của đất nước. “Chở đầy thời gian, là lời cảm tạ tri ân với những danh tài đất Việt ngay từ thuở thiếu thời tới nay” mà ông vẫn hằng ngưỡng mộ kính yêu.“Cũng là những tâm tình trân trọng mà tác giả dành cho các bạn hữu văn chương cùng thời như lời tri âm tri kỷ” - (lời ông Lại Hồng Khánh). Đây cũng là 8 tập thơ rất riêng mà chỉ có Lại Hồng Khánh mới dầy công sưu tầm nhân vật và sáng tác.
Khi quê hương Phú Xuyên thoát khỏi cảnh “ trắng câu gọi đò”, làng quê thay da đổi thịt, cuộc sống mới hồ hởi, trên từng làng quê góc phố, bài thơ “Phố trong Làng ra đời, được phổ nhạc và lan tỏa rộng rãi, trở thành niềm tự hào của người dân Phú Xuyên trên con đường xây dựng Nông thôn mới. Thơ Lại Hồng Khánh trở thành hiện tượng thơ có tính thời sự nóng hổi, tính triết lý sâu sắc. Từ
“ Những mảnh thủy tinh”  vương vãi ngoài đường, đến những con sâu trên cành non đều làm thơ Lại Hồng Khánh khắc khoải trước nhân tình - thế thái. Có lẽ là nhà lãnh đạo làm chính trị, nên ông sử dụng tối đa sức mạnh của báo chí vào cuộc sống. Bài thơ nào ông viết ra đều có dụng ý, có tính giáo dục sâu sắc. Nhiều bài nhắc đến quyền tự chủ thiêng liêng của quốc gia như : “Ghi ở Trường Sa”,  “Gửi đảo Phan Vinh”. Đặc biệt gần đây nhất là 74 bài thơ về dịch Covid-19  như những lời kêu gọi toàn dân đoàn kết chung tay chống dịch như chống giặc, tỏa sáng tinh thần Việt của con cháu Lạc Hồng.
Phải nói rằng Lại Hồng Khánh sinh ra đã có tố chất thơ ca trong người. Cuộc sống muôn màu,vạn vật đều hóa thành thơ qua cây bút  của ông.  Nhân ngày tôn vinh những người cầm bút, kính chúc ông luôn dồi dào sức khỏe, “ tâm sáng - bút sắc – lòng trong”, gia đình luôn tràn đầy hạnh phúc.
                                                                                Phạm Thị Dần
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

NGHỆ NHÂN ƯU TÚ DƯƠNG THỊ PHƯƠNG ĐÔNG: NGƯỜI TRUYỀN GIỮ CHẦU VĂN

Quê hương Hưng Yên được mệnh danh là chiếc nôi nuôi dưỡng bao nhiêu người con hiền tài của đất nước. Bao tướng tá, nhà văn, tiến sĩ…....

ÁNH XUÂN DẬY MEN GỐM TÌNH NGƯỜI

Khi cành đào khoe sắc thắm dâng tràn một mùa xuân mới – Xuân Nhâm Dần 2022 cũng là năm anh Trần Văn Hợi ngấp nghé bước vào tuổi...

Thầy mo – người giữ hồn văn hóa truyền thống bản làng

Thầy mo là một nghề được coi là linh hồn của mọi bản làng. Thầy mo không phải là nghề chọn học để làm mà có thể coi là một nghiệp...