Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Tinh hoa ẩm thực Việt

Lắng đọng hương trà Đất Tổ

Thứ hai , 25/10/2021 | 23:15 GMT+7
 Trà là thức uống gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày của người Việt. Chén trà hãm khéo, đượm hương, thuần vị không những thỏa mãn thú ẩm thực tao nhã, tinh tế mà còn là nhịp cầu nối xóa đi khoảng cách giữa chủ - khách, làm câu chuyện đẩy đưa thêm gần gũi, ấm cúng.   
Không cầu kỳ như cách thưởng trà của người Trung Quốc hay nghiêm ngặt các quy tắc chuẩn mực của Trà Đạo Nhật Bản, văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà của người Việt mang màu sắc gần gũi, mộc mạc, độc đáo riêng, đa dạng theo từng vùng miền. Ở Phú Thọ, cây chè ra đời từ rất sớm, theo tài liệu khảo cứu của Viện khoa học xã hội, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở vùng Đất Tổ Hùng Vương. Và có lẽ cũng từ ngày ấy, người Phú Thọ đã dành tình yêu cho cây chè và thức đồ uống tao nhã này.
Nhà nghiên cứu lĩnh vực Công nghệ sinh hóa Chè Viện Nghiên cứu KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho biết: Phú Thọ cũng là một trong những cái nôi của ngành chè Việt Nam, với sự phát triển của các giống chè và ngành công nghiệp chế biến chè, mở ra thời kỳ hoàng kim của ngành chè Việt Nam. Văn hóa Trà của người Phú Thọ bắt nguồn và hình thành từ trong quá trình lao động, sản xuất và gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân Phú Thọ đến nay.

 

Việc thưởng nếm cũng có những quy tắc cụ thể: Lượng chè phù hợp cho thưởng nếm là 3gr, dùng với nước sôi đạt trên 95oC pha trong ấm sứ dung tích 200ml trong thời gian 5 phút. Dân gian có câu “rượu tam, trà nhị” nghĩa là rượu ba chén, trà uống nước thứ hai. Do đó trước khi pha trà thường qua bước tráng trà. Bước này vừa có tác dụng làm sạch trà, vừa giúp loại bỏ vị đắng chát đầu tiên của trà.
Trà ngon sẽ hội tụ đủ các yếu tố hương - vị - sắc. Cụ thể, phải có hương thơm đậm, sau khi uống vẫn cảm nhận được hương thơm vương vấn nơi cổ họng, vị chát dịu, ngọt hậu, khi uống thấy sảng khoái và sắc nước có màu xanh sánh vàng. Một trong những kinh nghiệm của những người “sành” chè là dựa trên mùi hương để phân biệt trà, trà hảo hạng là loại trà có hương trong nước trà gần giống với hương trong bã trà nhất. 

Cùng quan điểm với PGS.TS. Trịnh Văn Loan, TS Nguyễn Thị Minh Phương- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện nghiên cứu KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc chia sẻ thêm: Từ lâu, chè đã trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo sinh kế đem lại thu nhập cao cho người dân vùng Đất Tổ. Các sản phẩm chè Phú Thọ cũng ngày càng có vị thế trong nước và nước ngoài; việc khai thác, chế biến các loại sản phẩm từ chè, xuất khẩu chè đã tạo được giá trị kinh tế cao đối với địa phương. Nắm bắt thị hiếu và nhu cầu thị trường, Viện cũng đã phát triển các giống chè xanh có năng suất, chất lượng cao như: LDP1, LDP2, PH11, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…

 

Cùng với việc khoa học công nghệ ngày càng phát triển, cây chè Phú Thọ đã và đang được quy hoạch thành vùng trồng tập trung. Bên cạnh phát triển việc khai thác tiềm năng của cây chè, tỉnh chú trọng xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch khám phá. Đây chính là giải pháp hiệu quả vừa thúc đẩy ngành chè phát triển vừa góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè và văn hóa trà của người Phú Thọ đến với đông đảo du khách.
Từ lâu, hương sắc và vị ngon của Chè Phú Thọ được đánh giá cao và là niềm tự hào của người dân Đất Tổ./.
Thùy Phương
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

HÀ NỘI MÙA CỐM GỌI THU

Ai đã ở Hà Nội đều cảm nhận một điều rằng, tiết thu là mùa đẹp nhất trong năm. Ẩn trong từng giọt nắng trong veo, gió heo may nhè nhẹ đưa hương...