Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Văn hoá phát triển

Nghệ nhân trẻ Lê Lâm: THÊM LUỒNG SINH KHI MỚI Ở LÀNG NGHỀ “ĐỆ NHẤT DAO KÉO” HÀ THÀNH

Thứ tư , 04/09/2024 | 00:22 GMT+7
    Vẫn tiếng đe, tiếng búa nện vào không trung có nhịp có hồi; vẫn những bếp lò rèn đỏ lửa quanh năm suốt tháng; vẫn những con người cần mẫn, miệt mài với thứ hàng vốn vang danh “đệ nhất dao kéo”… Đa Sỹ hôm nay dường như đang mang trong mình một sức sống mới, sức sống của làng nghề độc đáo trăm tuổi thu hút khách du lịch nước ngoài, của những người trẻ như nghệ nhân Lê Ngọc Lâm bền bỉ giữ nghề, làm đẹp cho nghề.  
       Khi người trẻ sáng tạo
    Quy củ, bài bản và “dễ thở” là những cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến xưởng rèn gia truyền Lê Lâm. Hoàn toàn khác với cảm giác ngột ngạt, bức bí thường thấy ở các xưởng rèn. Tấm bảng 5S “Công việc thường xuyên, hàng ngày” được treo ngay ngắn ở trung tâm xưởng. Gần chục bộ máy móc phục vụ cho công việc được sắp đặt theo yêu cầu công việc. Ở mỗi giỏ hàng đều mang bảng chỉ tên cho từng công đoạn. Quanh khu làm việc, những tấm bảng “nhắc nhở” được treo ngay ngắn như “Hãy suy nghĩ như một khách hàng”, “ Chất lượng là số một, chất lượng quan trọng hơn số lượng”,… Nhờ cách sắp xếp khoa học, vì vậy dù nhà xưởng được xây dựng trên một diện tích khiêm tốn song ngăn lắp, gọn gàng, sạch sẽ.

                   
Xưởng rèn gia truyền Lê Lâm ở Đa Sỹ - Hà Đông - Hà Nội
 
   Để có được những thay đổi khác biệt ấy là kết quả của cả một hành trình người trẻ tìm về với những giá trị đích thực của làng nghề, của những sáng tạo, sẵn sàng lĩnh hội những cái mới và cả những dám nghĩ dám làm, vất vả, trăn trở.
  Tám năm từ bỏ “vai trò giám đốc”, người thanh niên trẻ 8X Lê Ngọc Lâm quyết tâm về làng “khởi nghiệp” khôi phục lại chính nghề truyền thống của gia đình, của làng Đa Sỹ. Anh chân thành, 8 năm là quãng thời gian cho sự trở lại với nghề nhưng suốt những năm tháng ra trường đi làm, tâm can anh luôn đau đáu nghĩ về cái nghề bố mẹ đã nuôi mình khôn lớn, cái nghề đã từng gắn với làng Đa Sỹ nức tiếng gần xa. Nhất là khi, nghề truyền thống có nguy cơ mai một, người trẻ theo nghề cha ông ngày một vắng bóng.

                   
Nghệ nhân Lê Lâm hướng dẫn du khách Pháp trải nghiệm công đoạn rèn dao 
 
   Tiếng đe, tiếng búa, ánh lửa rèn gắn bó cả tuổi thơ đã ngấm trong huyết quản biến thành tình yêu và trách nhiệm của người trẻ với nghề, với làng. Tám năm từ đôi bàn tay trắng, chàng kỹ sư giao thông đã thực thụ trở thành người thợ rèn của làng nghề truyền thống, được trao tặng danh hiệu nghệ nhân. Bằng tinh thần quyết tâm, người thanh niên trẻ ấy đã có những năm tháng miệt mài, kiên trì học hỏi, mày mò tìm ra cách cải tiến những cố máy vốn có quy trình làm việc phức tạp thành đơn giản dễ làm. Chính những kiến thức của những năm tháng học đại học, những năm tháng thực tế gắn với mảng công trình giao thông đã giúp anh rất nhiều trong việc cải tiến máy móc, cũng như chế tạo ra một số máy móc bán tự động trong việc sản xuất dao, kéo.

                   
Nghệ nhân Lê Lâm hướng dẫn du khách công đoạn dập dao bằng búa máy
 
  Sự đối đãi tử tế với nghề đã cho anh trái ngọt. Nhờ tích cực đổi mới trong quy trình thực hiện, tổ chức công việc, áp dụng những cải tiến tích cực cho từng khâu vận hành, xưởng rèn LÊ LÂM không chỉ ngày càng khẳng định được thương hiệu sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, được đối tác trong nước tin tưởng, được bạn bè quốc tế lựa chọn. Mà xưởng rèn Lê Lâm còn trở thành một hiện tượng, thành một mảng màu tươi sáng giữa làng nghề truyền thống độc đáo có một không hai ở Hà Nội.

                   
Công đoạn sạt lưỡi dao
 
  Sự chuyên nghiệp của xưởng rèn Lê Lâm và tấm lòng của người nghệ nhân trẻ đang góp phần mang đến một hình ảnh làm nghề truyền thống hiện đại, một “đệ nhất dao kéo Đa Sỹ” thời đại mới nỗ lực khẳng định sức sống bền bỉ của nghề truyền thống, nỗ lực tìm kiếm cơ hội, mang hình ảnh làng nghề Việt Nam ra với bạn bè thế giới.
      Và tư duy đi ngược
    Cái nắng 40 độ của Hà Nội những ngày tháng 7 và bếp lò rực lửa cộng lại, cả xưởng rèn như lò hấp hơi. Gần hai tiếng tỉ mẩm vừa làm mẫu, vừa thực hành, vừa hướng dẫn cho cậu sinh viên Y khoa đến từ Pháp đủ 12 công đoạn làm dao, mô hôi nhễ nhãi nhưng gương mặt người nghệ nhân trẻ vẫn nguyên sự bình thản. Có lẽ như cách anh chia sẻ, từng ấy năm chuyên tâm với nghề, đã quá quen với nhiệt độ vượt ngưỡng cơ thể, quá quen với công việc tay đao tay búa anh không còn cảm nhận thấy cái nóng, không còn cảm thấy cái vất vả mà chỉ thấy ở đó niềm vui, thấy ở đó nhiều cơ hội cho mình, cho làng nghề.

                   
Công đoạn sạt lưỡi dao
 
    Con người nghệ nhân thường tự nhận mình hay “đi ngược, làm ngược” với mọi người ấy chân thành, niềm hạnh phúc lớn nhất là sản phẩm nghề truyền thống dao kéo của làng nghề có rất nhiều cơ hội ra nước ngoài. Sản phẩm dao của Đa Sỹ chất lượng rất tốt, chất dao sắc nên nhu cầu khách hàng rất cao. Cơ hội, thế mạnh ấy nếu được phát huy, việc phát triển nghề truyền thống của làng nghề sẽ mang lại nhiều giá trị.
   Cũng chính cái suy nghĩ ngược ấy đã nghệ nhân Lê Ngọc Lâm đến một quyết định táo bạo – mở du lịch trải nghiệm. Bởi với anh, nghề nào nó cũng có cái hay của nó. Nghề rèn làng anh vốn nổi tiếng, độc đáo từ xa xưa. Người ta chỉ biết đến con dao, cái kéo mà đâu biết để được những thành phẩm ấy là biết bao công đoạn, biết bao điều mới lạ trong ấy. Khi mà mọi người đều lắc đầu “Nghề này ai trải nghiệm” thì xưởng rèn nhà anh vẫn ngày ngày tấp nập khách vào ra. Tour trải nghiệm tại gia ấy thu hút được rất nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài đến tham quan, trải nghiệp nhờ cách làm quy mô, xây dựng lịch trình trải nghiệp cụ thể, chia rõ từng công đoạn. Mỗi tốp tham gia trải nghiệm kéo dài từ 2,5-3 tiếng đồng hồ. Bản thân ông chủ xưởng rèn Lê Lâm trực tiếp đưa khách trải nghiệm, phân tích, hướng dẫn khách tham quan được trải nghiệm từng công đoạn (để có con dao thành phẩm phải trải qua 12 công đoạn). Khách du lịch rất hài lòng với sản phẩm của làng nghề, đặc biệt ấn tượng với nghề rèn Đa Sỹ. Qua gần hai năm triển khai, du lịch trải nghiệm đã mở ra hướng đi mới cho làng nghề truyền thống “đệ nhất Hà Thành”.
    Mê hoặc bởi ánh lửa, bởi những con người lao động, bởi người nghệ nhân trẻ nhiệt huyết, chàng sinh viên Y khoa người Pháp Thomas Fouvry đã hào hứng theo nghệ nhân Lê Ngọc Lâm trải nghiệm những điều mà như cậu nói “chưa từng thấy”, “quá độc đáo, mới lạ và cuốn hút”, cảm phục trước sức lao động và sự sáng tạo của những con người nơi đây.
   Làng nghề truyền thống dao kéo Đa Sỹ hôm nay đã khác rất nhiều, ngoài tiếng đe, tiếng búa, khách mua hàng, làng nghề còn đón cả những vị khách nước ngoài về thăm quan, trải nghiệm.

                   
 Giới thiệu thành phẩm dao tại cơ sở sản xuất dao của nghệ nhân trẻ Lê Ngọc Lâm để bán ra thị trường
 
   Và cơ sở của nghệ nhân trẻ Lê Ngọc Lâm hiện với khoảng 8 máy dập cùng nhiều máy hỗ trợ khác, đáp ứng cho 6-8 nhân công làm việc thường xuyên mỗi ngày. Sản phẩm của xưởng rèn truyền thống Lê Lâm được lựa chọn đại diện làng nghề rèn Đa Sỹ tham dự quảng bá sản phẩm tại các lễ hội, hội chợ làng nghề, trưng bày sản phẩm truyền thống của Hà Nội và các tỉnh, thành không chỉ bởi chất lượng sản xuất, trình độ tay nghề mà còn phát huy tấm gương của chàng trai 8X với khát vọng giữ lửa nghề truyền thống quê hương.

                   
Sản phẩm dao mang thương hiệu Đa Sỹ
 
   Bếp lò luôn đỏ lửa như tâm thế của người thợ giỏi sẵn sàng chuẩn bị cho những bước tiến xa. Thật mừng cho xưởng rèn Lê Ngọc Lâm lại có thêm những hợp đồng, đối tác mới. Trước mắt là đơn hàng dao Damascus - loại dao nhiều lớp, một loại dao có hoa văn độc đáo rất nổi tiếng bên nước Nhật Bản, mọi công đoạn đã sẵn sàng, lò ga, máy ép thủy lực, máy xoắn thép... và một số phụ kiện đi kèm cũng đã được người nghệ nhân trẻ nghiên cứu thiết kế lại thuận lợi cho quá trình chế tác.
Miêu Trần
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BA TÔI

Tình cảm cha con thường được xem như là một trong những tình cảm đẹp nhất và thiêng liêng nhất trong cuộc sống. Nó mang lại cho con người cảm giác...

BỨC THƯ TÌNH MÙA THU

Tình yêu là địa hạt của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng. Viết về tình yêu lứa đôi, các nhà thơ từ cổ chí kim...

GYM Toàn Thắng – nơi chất lượng vượt xa giá cả

Nằm giữa khu phố yên bình, GYM Toàn Thắng không chỉ là một phòng gym đơn thuần mà còn là nơi hội tụ của đam mê, sự tận tâm và...

GẶP GỠ BÁO CHÍ RA MẮT DỰ ÁN ÂM NHẠC

Sáng ngày 02 tháng 12 năm 2024, tại Hội quán Trúc Lâm (Hà Nội) diễn ra buổi gặp gỡ báo chí về MV âm nhạc "Hiệu triệu" - Nơi...

BÓNG QUÊ

Quê hương đối với mỗi chúng ta không chỉ là nơi  sinh ra và lớn lên, mà còn là một phần quan trọng trong cuộc sống, nơi cất giữ những...