Điện thoại:(024) 37823877 - 092.8846879

Tin tức - sự kiện

ƠN TỔ NGHỀ DỆT HOÀNG TIẾN GAN

Thứ hai , 28/04/2025 | 15:37 GMT+7
    Sáng ngày 28/3/2025, Hiệp hội làng nghề dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức đã long trọng tổ chức Lễ tri ân Cụ tổ nghề Hoàng Tiến Gan, đồng thời tổng kết hoạt động của Hiệp hội làng nghề dệt năm 2024, xác định phương hướng phát triển cho năm 2025 và những năm tiếp theo.  
    Mở đầu buổi lễ là báo cáo về thân thế, sự nghiệp của Cụ tổ nghề, tiếp đó là phát biểu của đại diện một nghệ nhân trong hiệp hội. Sự kiện còn có sự tham gia của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội; đại diện Hội Làng nghề Việt Nam, UBND xã Phùng Xá cùng nhiều đại biểu khách quý. Các bài phát biểu đã ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của làng nghề dệt Phùng Xá trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, góp phần đổi mới xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

                
Bà Phạm Thị Hạnh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký hiệp hội ( trưởng đoàn ) cùng Ban lãnh đạo Hiệp hội TCMN và Làng nghề HN tặng hoa chúc mừng buổi lễ 
 
    Trước khi hội nghị diễn ra, Hiệp hội làng nghề dệt Phùng Xá đã vinh dự đón nhận hàng chục lẵng hoa chúc mừng từ các cấp, ngành và những người con quê hương về dự.

                
Hiệp hội Du lịch HN tặng hoa chúc mừng buổi lễ
 
    Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, thể hiện tinh thần tri ân, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của làng nghề dệt Phùng Xá.

                
Hội đồng hương Phùng Xá tặng hoa chúc mừng buổi lễ
 
    Cụ tổ nghề Hoàng Tiến Gan sinh năm 1900 trong một gia đình nghèo có 5 anh em tại thôn Thượng, xã Phùng Xá, Tổng Phù Lưu, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Do gia đình nghèo, cụ ít được học hành. Tuy vậy cụ rất sáng dạ, sớm có ý thức lập thân, lập nghiệp. Sống giữa vùng nguyên liệu dồi dào, lại có nghề chăn tơ, dệt lụa lâu đời, điều cụ Gan vẫn ngày đêm trăn trở đó là, tại sao người làng vẫn không đủ miếng cơm, manh áo? Không cam chịu trước thực tế phũ phàng, cụ nhận định lúc này chỉ có nghề dệt là phù hợp để vừa tận dụng lợi thế địa phương, vừa có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong đời sống, lại vừa tạo ra thu nhập cho người lao động. Từ quyết tâm theo đuổi nghề dệt, năm 1928, cụ Hoàng Tiến Gan bắt đầu rời làng đi tìm nơi học việc. Cụ dừng chân ở xưởng dệt của ông Vũ Văn An tỉnh Bắc Ninh, chấp nhận làm đủ mọi việc “đầu sai”, tạp việc để học hỏi lấy nghề. Kiên trì, cần mẫn, cùng với sự chăm chỉ học hỏi, cụ được cả chủ lẫn thợ đều yêu mến, chỉ dẫn. Không lâu sau, thì cụ được giao đứng máy.

                
Ông Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hội làng nghề Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
 
    Từ xưởng dệt Vũ An, cụ tìm đến xưởng dệt Hương Kỳ (Bưởi), cần mẫn tìm tòi, góp nhặt kinh nghiệm, cụ càng học càng thành thạo với nghề. Với vốn kiến thức tích lũy được, mùa xuân năm 1933, cụ trở về quê hương, bắt đầu bắt tay xây dựng xưởng dệt riêng. Thời gian đầu, vì thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất, cụ phải bán hết của cải, vay mượn để đầu tư mua sắm máy móc công cụ. Tuy khó khăn là vậy, nhưng chưa khi nào cụ Hoàng Tiến Gan nao lòng, muốn từ bỏ công việc, bởi đó là tâm huyết cũng là mong muốn lớn lao, cụ muốn thực hiện để vực dậy quê hương còn nhiều cơ cực.

                
Bà Trần Thị Phương Lan, Nguyên Quyền Giám đốc Sở Công Thương HN, Chủ tịch danh dự Hiệp hội TCMN và Làng nghề HN phát biểu tại buổi lễ
 
    Nhờ sự hỗ trợ của ông Hoàng Tiến Phấn, một người thợ mộc trong làng, cụ Hoàng Tiến Gan đã xây dựng được xưởng dệt 3 khung có đủ quy trình công nghệ, mô phỏng gần như tuyệt đối chiếc máy dệt hiện đại có đầy đủ công năng: từ quay tơ, mắc hồ, đến dệt vải. Từ một người tay trắng lập nghiệp, cụ Hoàng Tiến Gan sau khoảng thời gian “thử lửa” cũng đã thành công “gây dựng cơ đồ”, có của ăn của để, và tiếp tục mở rộng sản xuất. Từ đây, cụ mạnh dạn giới thiệu nghề dệt đến đông đảo người dân, nhiều người vì khâm phục cũng như đánh giá cao tài nghệ của cụ mà “Tầm sư học đạo”. Nhóm thợ dệt đầu tiên của làng Phùng Xá ra đời, được cụ Hoàng Tiến Gan hướng dẫn, truyền nghề, vừa đóng máy, dựng giá thành khung. Nhờ chăm chỉ tìm tòi, sáng tạo, các sản phẩm của nhóm thợ làng Phùng Xá làm ra ngày càng nâng cao chất lượng, được khách hàng ưa chuộng. Thợ dệt làng Phùng Xá cũng không ngại giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các làng nghề dệt nổi tiếng như: Vạn Phúc, La Khê, La Cả,.. nhờ đó, mẫu mã của làng cũng ngày càng trở nên đa dạng hơn, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Từ lụa đơn sắc, Phùng Xá đã phát triển lên các kỹ thuật tinh xảo, tạo nên những mặt hàng cao cấp, yêu cầu cao về tay nghề như: lụa hoa, lụa chữ thọ đỉnh. Nghề dệt Phùng Xá xuất hiện non trẻ nhưng ngày càng vang danh, được nhiều người biết đến rồi nhanh chóng hội nhập với các làng tơ lụa nổi tiếng. Cũng bởi sự nổi tiếng của làng nghề, dưới thời các Tổng đô đốc Hà Đông: Hoàng Trọng Phu, Vy Văn Định, Hồ Đắc Điểm,…Phùng Xá đều được chọn là nơi để các quan khách tới tham quan, tìm hiểu.
    Điều vinh dự là vào năm Bảo Đại thứ 16 (1941), cụ Hoàng Tiến Gan được chính phủ Bảo Đại ban sắc phong. Bản sắc phong ghi rõ:“Thủy sáng, cơ chữ, công nghệ xảo tinh. Hưởng thụ: Cửa phẩm Bách hộ”

                
Ông Nguyễn Duy Trường, Chủ tịch Hội làng nghề Dệt Phùng Xá phát biểu tại buổi lễ
 
    Cũng từ đây mà chính quyền phong kiến lúc bấy giờ đã xin được hợp đồng Tơ Com – măng của Nhật. Cơ sở nghề dệt Phùng Xá được nhân ra diện rộng 400 – 500 khung, phát triển vô cùng thịnh vượng. Đặc biệt là hưng thịnh nhất vào những năm 1939 – 1943.

                
Các đại biểu chụp hình tại buổi Lễ tri ân
 
    Trải qua thời kỳ hưng thịnh, nghề dệt tại địa phương có nhiều giai đoạn rơi vào khủng hoảng rồi phục hồi. Tuy nhiên, với ý thức bảo tồn nghề truyền thống, nghề dệt ở địa phương vẫn tiếp tục được duy trì và gắn bó với đời sống người dân Phùng Xá. Nhờ nhạy bén với kinh tế thị trường, nghề dệt Phùng Xá hiện nay phát triển tương đối ổn định, đã và đang tạo việc làm cho 4.500 lao động trên địa bàn, chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế toàn xã. Thị trường tiêu thụ của làng nghề dệt Phùng Xá không chỉ bó hẹp ở thị trường trong nước mà còn vươn tầm thế giới. Nhiều sản phẩm của Phùng Xá đã có mặt ở thị trường Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ,… đem lại cuộc sống ấm no đầy đủ cho nhân dân địa phương. Đó thực sự là thành tựu quý báu mà đời sau được thừa hưởng từ di sản mà Tổ nghề Hoàng Tiến Gan đã để lại.
Trần Miêu
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

HIỆP HỘI THỦ CÔNG MỸ NGHỆ VÀ LÀNG NGHỀ HÀ NỘI: 20 năm Hành trình phát triển bền vững và nỗ lực khẳng định vai trò bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống.

    Sáng ngày 22/4/2025 trong không khí của cả nước phấn khởi chào mừng sự kiện 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tại Trung tâm...

Herbalife Việt Nam được Vinh danh Top 50 Doanh Nghiệp FDI Tiêu Biểu Việt Nam tại Giải thưởng Rồng Vàng 2025

    Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2025 – Herbalife Việt Nam, một trong những công ty hàng đầu về sức khỏe và thể chất, đã được vinh danh...

Festival Tinh Hoa Văn Hoá – Võ Thuật 2025: Hào Khí Dân Tộc Vang Vọng Từ Đất Tổ

Phú Thọ, ngày 6/4/2025 (tức mùng 9/3 năm Ất Tỵ) – Trong không gian linh thiêng của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, đã diễn ra Festival “Tinh...

DẤU ẤN THIÊNG LIÊNG TỪ MIỀN TRUNG ĐẤT MẸ

    Ba ngày với tâm nguyện hành hương về nguồn, về với các di tích lịch sử thiêng liêng của đất nước để được tri ân công lao...

Herbalife Việt Nam tiếp tục khuyến khích lối sống năng động trong cộng đồng thông qua tài trợ Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong năm thứ năm liên tiếp

    Việt Nam, tháng 3 năm 2025 – Herbalife Việt Nam, một trong những công ty hàng đầu về sức khỏe và thể chất, là Nhà Tài Trợ Dinh Dưỡng...