Tin tức - sự kiện
PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ GẮN VỚI CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA
Thứ tư ,
11/05/2022 |
12:41 GMT+7
Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cũng như các doanh nghiệp phát triển, qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề gắn với công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cũng như các doanh nghiệp phát triển, qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề gắn với công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Đó là phát biểu đầy tâm huyết của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khi ông tới thăm, động viên lực lượng sản xuất đầu năm tại Công ty TNHH Sứ Quang Vinh, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Cùng đi có Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền; Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng.
Tham dự đoàn còn có ban lãnh đạo Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội và một số nghệ nhân, thợ giỏi thành viên.

Đoàn công tác thăm dây chuyền sản xuất gốm sứ Quang Vinh
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng đoàn công tác thành phố đã trực tiếp thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm làng nghề của Hà Nội tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt (chủ đầu tư là Công ty TNHH Sứ Quang Vinh); thăm hỏi, động viên, chúc Tết các nghệ nhân, người lao động đang làm việc tại đây cũng như các thành viên, nghệ nhân tiêu biểu của Hiệp hội TCMN và làng nghề Hà Nội.
Qua nghe báo cáo hoạt động của Hiệp hội TCMN và Làng nghề Hà Nội và kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Sứ Quang Vinh trong năm 2021, đồng chí Nguyễn Văn Phong bày tỏ phấn khởi, chúc mừng những kết quả mà Hiệp hội cũng như Công ty đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh mặc dù đã phải chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Hà Nội hiện có hơn 1.350 làng nghề, chiếm 1/3 số làng có nghề và làng nghề được công nhận của cả nước; Trong đó, có những làng nghề hơn 1.000 năm phát triển gắn với quá trình hình thành Thăng Long - Hà Nội; Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong phát biểu tại công ty gốm sứ Quang Vinh
Việc phát triển các làng nghề gắn với công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần giữ nghề, làm giàu từ nghề mà còn thúc đẩy phát triển văn hóa, góp phần tạo nên bản sắc, thương hiệu của Thủ đô Hà Nội. Thông qua bản sắc, thương hiệu đó sẽ góp phần định vị vị trí của Hà Nội trên trường quốc tế, Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo. Vì thế, việc khơi thông nguồn lực văn hóa để phát triển thành phố Hà Nội bền vững là hết sức quan trọng.
Phó Bí thư Thành ủy cũng nêu bật tầm quan trọng của việc quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế thông qua các sản phẩm độc đáo, đặc sắc của các làng nghề truyền thống tại Hà Nội, mà ở đó vai trò của Hiệp hội là rất quan trọng trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác, đầu tư.
Ngay tại thời điểm này và những năm tiếp theo bản thân Hiệp hội và mỗi doanh nghiệp cần phải nỗ lực hơn nữa để tìm ra hướng đi phù hợp trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 và những tác động của quá trình toàn cầu hóa.
Phát biểu cảm ơn sự động viên khích lệ kịp thời ngay từ đầu năm của Phó Bí thư Thành uỷ và đoàn, Nghệ nhân, Công dân Thủ đô Ưu tú Hà Thị Vinh – Chủ tịch Hiệp hội, Giám đốc Cty Sứ Quang Vinh đã mạnh dạn đề xuất một số vấn đề nhằm phát huy thế mạnh của các làng nghề, phố nghề truyền thống. Đặc biệt là vấn đề bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng hài hòa giữa giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với hội nhập quốc tế. Đây là một trong những nội dung quan trọng đang đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi lãnh đạo Thành phố, các cấp uỷ đảng, chính quyền cần phải có giải pháp toàn diện hơn, sâu sát hơn.

Bà Hà Thị Vinh phát biểu tại công ty
Cũng theo bà Hà Thị Vinh: Các làng nghề ngoài việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, còn giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn, gìn giữ không gian, cảnh quan làng nghề, nét đẹp văn hóa truyền thống và có tiềm năng lớn phát triển du lịch, dịch vụ. Nhưng mục tiêu quan trọng nhất trong bảo tồn và phát triển làng nghề là phải đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Thì ngoài việc tự thân vận động của mỗi làng nghề, cơ sở nghề cần có những hoạch định, đầu tư cụ thể hơn nữa của Đảng, Nhà nước mà những quyết sách của thành phố mang tính quyết định, bà Vinh khẳng định.
Mặt khác, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, bản thân các làng nghề cũng cần phải có sự liên kết xây dựng một ngôi nhà chung trong cả nước cho từng ngành hàng để giúp đỡ lẫn nhau, tác động và hỗ trợ cùng phát triển./.
Miêu Trần
Bình luận
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
ƠN TỔ NGHỀ DỆT HOÀNG TIẾN GAN
Sáng ngày 28/3/2025, Hiệp hội làng nghề dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức đã long trọng tổ chức Lễ tri ân Cụ tổ nghề Hoàng Tiến Gan,...
HIỆP HỘI THỦ CÔNG MỸ NGHỆ VÀ LÀNG NGHỀ HÀ NỘI: 20 năm Hành trình phát triển bền vững và nỗ lực khẳng định vai trò bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống.
Sáng ngày 22/4/2025 trong không khí của cả nước phấn khởi chào mừng sự kiện 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tại Trung tâm...
Herbalife Việt Nam được Vinh danh Top 50 Doanh Nghiệp FDI Tiêu Biểu Việt Nam tại Giải thưởng Rồng Vàng 2025
Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2025 – Herbalife Việt Nam, một trong những công ty hàng đầu về sức khỏe và thể chất, đã được vinh danh...
Festival Tinh Hoa Văn Hoá – Võ Thuật 2025: Hào Khí Dân Tộc Vang Vọng Từ Đất Tổ
Phú Thọ, ngày 6/4/2025 (tức mùng 9/3 năm Ất Tỵ) – Trong không gian linh thiêng của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, đã diễn ra Festival “Tinh...