Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Văn hoá phát triển

VÃN CẢNH ĐỀN TIÊN ÔNG HÀ NAM

Thứ năm , 23/06/2022 | 14:22 GMT+7
Đền Tiên Ông hay còn gọi là đền Ông, nằm trong quần thể di tích thắng cảnh Bát Cảnh Sơn ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Du khách có thể đến danh thắng Bát Cảnh Sơn theo quốc lộ 22 từ thành phố Phủ Lý hoặc đi từ Đồng Văn theo quốc lộ 60.

                  
Cổng đền Tiên Ông - xã Tượng Lĩnh - huyện Kim Bảng - Hà Nam
 
    Bên cạnh dãy Bát Cảnh Sơn là sông Đáy, dựa vào vòng cung Nam Công (Kim Bảng - Hà Nam và Tuyết Sơn, Hương Tích - Hà Tây), tạo thành thế núi hình sông kỳ thú. Xét theo vị trí địa lý hành chính, Bát Cảnh Sơn là “tiểu thắng cảnh”, là cửa ngõ Hương Sơn, và là ngã ba của 3 huyện Kim Bảng (Hà Nam), Mỹ Đức, Ứng Hòa (Hà Tây). Ở Bát Cảnh Sơn có 8 ngôi chùa và một ngôi miếu thờ thổ đại thần linh, đền Ông là một trong 8 ngôi chùa thuộc thắng cảnh.
     Đền Ông được xây dựng vào đời vua Trần Nhân Tông trên lưng chừng núi Tượng Lĩnh, cao khoảng 200m, có hình thù giống con voi phủ phục nên người dân thường gọi là voi quỳ. Đền Tiên Ông, thờ Nam thiên đại thành hoàng Thánh tổ Thiên vương Bồ Tát, từ lâu đã có nhiều sự tích được nhân dân lưu truyền đến ngày nay.
     Theo tương truyền, Tiên Ông là con Trạng nguyên Nguyễn Quang Sáng (được phong Tướng Quốc công), người Từ Sơn, Bắc Ninh, thời nhà Trần. Trong một lần kinh lý qua thôn Thịnh Đại, xã Đại Cương (Kim Bảng), Trạng nguyên Nguyễn Quang Sáng gặp một một người con gái họ Lê, cảm mến vì sự xinh đẹp, nết na của cô, ông hỏi cưới và rước cô về phủ. Đêm rằm tháng 6, vua Trần Nhân Tông nằm mơ thấy một vị Thiền sư đưa cho vua một tấm thẻ khắc 4 chữ: “Mãn Nguyệt Tiên ông”. Tỉnh dậy, vua có nói với các quan: Đêm qua ta nằm mơ thấy một vị Thiền sư đưa cho một tấm thẻ trên đề 4 chữ “Mãn Nguyệt Tiên ông”. Nghe vua nói vậy, các quan chưa đoán được đó là điềm gì thì Từ Sơn, Bắc Ninh có người phi ngựa tới báo với nhà vua tin vui: Vào giờ Tý đêm rằm tháng 6, vợ Tướng Quốc công đã hạ sinh con trai. Nghe tin vui, vua Trần Nhân Tông đã đích thân sang thăm và đặt tên cho ngài là Mãn Nguyệt Tiên ông.
     Đức thánh Tiên Ông từ khi sinh ra đã có tướng mạo khác thường, lớn lên một lòng đèn hương thờ Phật. Để tìm thầy học đạo, ngài chu du khắp nơi và đến đất Quang Thừa (nay là xã Tượng Lĩnh), thấy dãy Bát Cảnh Sơn cảnh vật non nước hữu tình bèn lập một ngôi chùa ở dưới chân núi, gọi là chùa Tam Giáo, để thờ Phật và tổ tiên cha mẹ.
     Sinh thời, khi tu ở chùa Tam Giáo, ngài có nhiều công lao đối với nhân dân địa phương, khi thì cứu giúp kẻ nghèo khó, khi lại chữa bệnh cứu người. Khi đắc đạo, ngài hóa thân vào cây “Đại nại” và dặn người dân hãy lấy cây gỗ đó để tạc tượng thờ. Tương truyền, các pho tượng rất linh liêng, trải qua bao lần bị chiến tranh tàn phá, nhiều phen bị mang đi nhưng không ai có thể đụng tới pho tượng. Nhân dân vì muốn tưởng nhớ ngài nên đã lập đền thờ, cứ đến ngày rằm tháng 6 âm lịch năm, người dân Tượng Lĩnh tổ chức lễ hội rất long trọng.
      Để lên được tới đền Tiên Ông, du khách đi theo đường đá thoải tới phía bắc chân núi Tượng Lĩnh, qua 108 bậc đá lên đền. Đền Tiên Ông được xây dựng theo hình chữ tam: tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian, và hậu cung 1 gian. Từ đền Tiên Ông nhìn xuống, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bát ngát một vùng đất trời thôn quê yên bình bởi những cánh đồng, làng mạc.

                
     
Đền thờ Nam Thiên Đài Thành hoàng Thánh Tổ Thiên Vương Bồ Tát còn là nơi lưu giữ nhiều ngọc phả, sắc phong của các đời vua chúa, có giá trị trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Vì vậy, khi thăm quan đền, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cổ vật có tuổi đời lên tới hàng trăm năm vô cùng giá trị.
     Đền Tiên Ông không chỉ là một di tích tôn giáo có lịch sử lâu đời mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, đặc biệt là Hội làng Tượng Lĩnh, đã thu hút du khách thập phương đến tham gia hàng năm. Hội làng Tượng Lĩnh được tổ chức vào rằm tháng 6, ngày giỗ của Tiên Ông. Vào ngày lễ, dân làng tổ chức rước bài vị của ngài từ đình làng lên đền núi Voi làm lễ. Bài vị của ngài được đặt trong kiệu bát cống, lễ vật dâng lên đặt trong kiệu phù giá. Sau khi nghi lễ kết thúc, cả làng cùng nhau ăn uống vui vẻ. Ngày hội làng cũng là dịp để nhiều người con xa quê trở về để thắp hương cầu bình an cho gia đình.
     Với những du khách yêu thích ngắm cảnh, và tìm hiểu những kiến thức lịch sử xa xưa, đền Tiên Ông sẽ là một hành trình dài và đầy trải nghiệm thú vị với du khách ưa thích du lịch tâm linh trong dịp tết đến, xuân về.
Phạm Thục Anh
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thực hành Tín ngưỡng tại Đền Mẫu Phố Cò “Hành trình tìm về cội nguồn Văn hóa Tín ngưỡng của dân tộc”

    Ngày 3/7 (28,29 tháng 5 âm lịch), tại Đền Mẫu Phố Cò , Viện Nghiên cứu và Phát triển Đạo Mẫu Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý...

Cô đồng trẻ gốc Hà Thành: Duyên kỳ ngộ giữa truyền thống và hiện đại

    Giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến, câu chuyện về cô đồng trẻ gốc Hà thành Phùng Thủy Tiên đến với tín ngưỡng thờ...

NẾN BƠ SUNMAX - QUÀ TẶNG TỪ THIÊN NHIÊN

    “Công ty cổ phần thương mại Royal Hà Nội là đơn vị chuyên sản xuất Bàn chải đánh răng, khăn mặt, khăn tắm, hàng baby mang thương...

Lưu giữ hồn thiêng Tổ quốc qua từng lá cờ

Từ đất mũi Cà Mau, tới địa đầu Móng Cái, mỗi một nơi trên mảnh đất hình chữ S lại ghi dấu những lá cờ, đánh dấu chủ quyền quê hương....

Nhà văn Minh Chuyên và Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh

Sự xuất hiện “Bảo tàng Tác phẩm Hậu chiến tranh - Minh Chuyên” ở làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình không chỉ...