Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Cửa sổ văn hóa

Bình vôi và tục ăn trầu của người Việt Bắc Bộ

Thứ năm , 17/02/2022 | 14:05 GMT+7
Trong số di sản vật thể thuộc loại hình đồ gia dụng còn lại đến ngày nay đang được lưu giữ và trưng bày tại các bảo tàng và các sưu tập tư nhân, bình vôi chiếm tỉ lệ khá lớn. Đây là một loại vật dụng phần lớn được làm bằng chất liệu gốm. Liên quan đến loại hình đồ gia dụng này là tục ăn trầu của người Việt. Người Việt có hẳn một truyền thuyết về “trầu cau” và trong nhiều thế kỉ, tục ăn trầu là một nghi lễ quan trọng trong giao lưu văn hóa cũng như trong các nghi thức tín ngưỡng khác.  
Theo truyền thuyết thì tục ăn trầu ở Việt Nam có từ thời vua Hùng Vương thứ tư, vì vậy, bình vôi có thể đã có mặt từ thời thượng cổ, nhưng cho đến nay, giới khảo cổ học chưa phát hiện được chiếc bình vôi nào thuộc thời kì văn hóa Đông Sơn. Tính đến cuối thế kỷ XX, chiếc bình vôi cổ nhất tìm được ở Việt Nam mang niên đại thế kỷ IV sau công nguyên, khai quật được trong một ngôi cổ mộ thời Bắc thuộc. Như vậy, tục ăn trầu xuất hiện sớm, nhưng tục ăn trầu với vôi có thể xuất hiện muộn hơn. Bình vôi gốm nói chung thường có dáng tròn hoặc tròn dẹt, có hoặc không có quai xách, có chân đế và được trổ một lỗ ở vai bình làm miệng. Loại hình sản phẩm này vô cùng đa dạng về kiểu dáng, màu sắc và lối trang trí. Chúng có thể được làm từ chất liệu đất nung, sành hoặc gốm men. Hoạ tiết trang trí cũng rất đa dạng mô phỏng theo cành cau, cây cau và dây trầu không... Chính sự đa đạng của bình vôi đã tạo nên sức hấp dẫn đối với giới thưởng ngoạn và sưu tập đồ cổ.
Theo một tư liệu khảo cổ học, bình vôi bằng gốm men thời Trần hình dáng giống như quả dưa, không có quai xách, trên đỉnh có núm nhọn hoặc tua cau nằm ngang, men trắng ngà, bóng đẹp. Đôi khi bình vôi được tạo dáng trái đào. Còn bình vôi bằng sành thường có hình quả, tròn, không quai xách, đỉnh có núm nhọn hoặc tròn, bên trên là mấu nhọn. Những bình vôi sành thế kỉ XIV được phát hiện ở nhiều địa danh cho thấy tục ăn trầu của người Việt thời kì này đã rất phổ biến, không chỉ ở đồng bằng châu thổ mà cả vùng núi như Tuyên Quang, Yên Bái và các  vùng ven biển ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An. Một trong những làng gốm sành vùng châu thổ Bắc Bộ đã vào Thừa Thiên - Huế lập nên làng sành Mỹ Xuyên. Các nhà khảo cổ học phát hiện, nhiều bình vôi gốm không quai ở Mỹ Xuyên còn lưu giữ phong cách bình vôi thế kỉ XIV.

                       Một bộ đựng trầu cau xưa được trưng bày tại bảo tàng 
Bình vôi trong xã hội Việt Nam cổ truyền còn có chức năng như một vị thần cai quản mọi việc thường nhật trong gia đình nên được gọi là "ông bình vôi" hay "ông vôi", tương tự như Ông táo trong bếp. Vì vậy mà bình vôi bao giờ cũng được lưu giữ cẩn thận. Nếu lỡ bị hư hại, sứt mẻ thì chủ nhà cũng không được vứt đi mà đem treo ở gốc đa hoặc đưa ra nghĩa địa đặt lên mộ tiền nhân. Những bình vôi này thường đặc ruột vì vôi để ăn trầu lâu ngày đóng cứng lại không dùng được nữa.
Mặc dù ăn trầu là một tập tục của cả vùng Đông Nam Á, nhưng bình vôi gốm của Việt Nam không phải là một mặt hàng phục vụ cho các thị trường mậu dịch gốm thế kỷ XV. Chỉ có một số rất ít được xuất khẩu. Một số khác được tìm thấy tại di chỉ tàu đắm như tại di chỉ Pandanam ở Philippines, hoặc Cù Lao Chàm ở Việt Nam.  Cả hai di chỉ này, có một số bình vôi còn đang đựng vôi, điều đó giúp các nhà sử học khẳng định đây là vật dụng cá nhân của các thuỷ thủ trên tàu. Trong trường hợp này, các bình vôi đã góp phần xác nhận được nguồn gốc, xuất xứ của con tàu và thuỷ thủ. Một chiếc bình vôi bị mất quai được tìm thấy ở Indonexia, bị nhầm là bình nhỏ nước. Trên thực tế, bình vôi cũng thường dùng làm bình nhỏ nước. Trong nhiều năm gần đây, các nhà quý tộc ở Nhật Bản sưu tầm bình vôi và sử dụng bình vôi làm bình chuyên nước và là đối tượng đàm đạo trong trà đạo. Khi nghi lễ trà đạo kết thúc, bình vôi không được dùng để chứa vôi mà được dùng để cắm hoa.
Một trong những nét riêng, cũng có thể coi là một tập tục trong lịch sử chế tác gốm của người Việt là: mặt hàng bình vôi thường được các làng gốm sản xuất với số lượng lớn vào những năm nhuận. Đây là một hiện tượng rất đáng lưu ý. Phải chăng, hiện tượng này có liên quan đến một tập quán (hiện chỉ còn lưu giữ tại một số địa phương) là người Việt thường thay bình vôi vào các năm nhuận (bằng cách mang treo lên cành đa đầu làng hoặc thả trôi sông). Nhưng tại sao lại thay bình vôi vào thời điểm đó?. Có ý kiến cho rằng, theo quan niệm của người Trung Hoa, năm nhuận được hiểu là năm “dư”, tháng “thêm’ (được thêm hoặc có thêm). Như vậy, sản xuất và thay thế bình vôi vào năm nhuận, cả người mua và người bán đều được “dôi dư”, thịnh vượng. Còn hiện tượng mang bình vôi cũ bỏ, treo lên cành đa đầu làng hoặc thả trôi sông, chúng tôi cho rằng, có thể nó xuất phát từ một tín ngưỡng của người Việt - tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”. Bình vôi là vật được sử dụng “thâm canh” trong nhà, từ năm này qua năm khác, lại đựng một thứ để ăn (vào miệng) nên khi thay thế, họ mang thả dưới sông cho “nó”(hay “ông” bình vôi) được “sạch sẽ, mát mẻ”. Hoặc nếu đem treo lên cành đa, cành gạo đầu làng là để “các cô, các cậu” - tức những vong linh chết trẻ, thường luẩn quẩn, nương nhờ ở các cây cổ thụ được dùng (ăn). Người ta thường nói: “Thần cây đa, ma cây gạo” là vậy.
Căn cứ vào cấu tạo của bình vôi trong lịch sử, chúng ta thấy, ngoài bình đựng vôi để ăn trầu, người Việt còn dùng một số vật dụng khác kèm theo (như cối giã trầu, ống nhổ quết trầu, hộp đựng trầu cau… được làm bằng chất liệu đồng, đá, gỗ, sơn ta, gốm men hoặc sứ), trong đó, bình vôi là vật dụng còn lại đến nay một số lượng lớn.
Bình vôi còn là một đồ dùng quan trọng trong mỗi gia đình, ngoài ý nghĩa để đựng vôi - một trong ba vị chính (trầu, vỏ, vôi) làm nên một miếng trầu - nó còn là biểu tượng cho quyền uy của bà “nội tướng” trong nhà.


Cùng với bình vôi, tục ăn trầu, mời trầu của người người Việt đã trở thành nét văn hoá độc đáo, tồn tại suốt quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, từ truyền thống đến hiện đại. Nó đã trở thành biểu tượng nghệ thuật, đã đi vào thi ca và làm nao lòng bao người con xa xứ. Có rất nhiều người thưởng ngoạn sành điệu trở thành nhà sưu tập bình vôi. Từ sưu tập bình vôi của người Việt qua các thời kì lịch sử đang được lưu giữ và trưng bày tại các bảo tàng, các sưu tập tư nhân trong và ngoài nước, một phần tính cách dân tộc, bản sắc văn hoá Việt đã được bộc lộ. Đây là một trong những nguồn tư liệu quý để có thể nghiên cứu văn hoá truyền thống Việt Nam một cách toàn diện.

 
HẢI YẾN (st)
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lưu giữ hồn thiêng Tổ quốc qua từng lá cờ

Từ đất mũi Cà Mau, tới địa đầu Móng Cái, mỗi một nơi trên mảnh đất hình chữ S lại ghi dấu những lá cờ, đánh dấu chủ quyền quê hương....

XA NHÀ MÙA DỊCH

Bước vào cái tuổi 18 tôi bắt đầu suy nghĩ cho tương lai của chính tôi. Phải chọn trường nào? Ở đâu? Nhưng cuối cùng tôi đã lựa chọn...

SỰ BẤT HIẾU NGỌT NGÀO

Có một sự thật là: tình thương yêu và hy sinh vô bờ của người mẹ cho những đứa con từ khi có loài người đến nay chẳng hề thay đổi, nhưng...

Quốc gia không có biển nhưng có hàng nghìn đảo

Lào là quốc gia Đông Nam Á duy nhất không giáp biển, nhưng phía nam đất nước lại sở hữu một đặc điểm độc đáo được thiên nhiên...

HOA PHƯỢNG BIỂU TRƯNG TUỔI HỌC TRÒ

Cây hoa phượng có tên khoa học là Delonix regia và thuộc họ Fabaceae. Trong tiếng Anh, hoa phượng được gọi với rất nhiều cái tên như Royal poinciana, Flamboyant,...