Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Tinh hoa Làng nghề Việt

Lưu giữ hồn thiêng Tổ quốc qua từng lá cờ

Thứ ba , 11/06/2024 | 14:14 GMT+7
Từ đất mũi Cà Mau, tới địa đầu Móng Cái, mỗi một nơi trên mảnh đất hình chữ S lại ghi dấu những lá cờ, đánh dấu chủ quyền quê hương. Và chính những đôi bàn tay ở ngôi làng Từ Vân đã góp phần thêu dệt nên sắc đỏ rực rỡ ấy.  
Cách trung tâm Hà Nội 30km là ngôi làng Từ Vân bình dị ngày ngày vẫn đang dệt thêu nên niềm tự hào của Tổ quốc – những lá cờ đỏ sao vàng.
Trở về lịch sử, làng Từ Vân – huyện Thường Tín, Hà Nội đã trải qua chặng đường 79 năm làm nghề may, thêu cờ Tổ Quốc. Khoảnh khắc lịch sử tại Quảng trường Ba Đình trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết một phần nhờ hàng ngàn lá cờ đỏ sao vàng tung bay, đến từ những người thợ lành nghề làng Từ Vân.
Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, cho đến nay, nghề thêu và may cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân vẫn được duy trì. Những lá cờ rực rỡ, len lỏi khắp mọi miền Tổ quốc, mang theo hồn cốt tinh tuý chính là niềm tự hào của người dân nơi đây. 
Gia đình nghệ nhân Vương Thị Nhung đã ba đời tiếp nối nghề truyền thống. Bản thân chị cũng đã được chỉ dạy, làm quen với từng đường kim mũi chỉ từ khi mới lên 7 lên 8. Chị Nhung luôn tự hào khi tuổi nghề của gia đình còn vượt xa tuổi đời của chính chị. Thân quen và gần gũi với lá cờ Tổ quốc đến nỗi chị nhớ như in công thức gia truyền để may được một lá cờ đẹp mắt và có hồn.

Nghệ nhân Vương Thị Nhung với hơn 30 năm kinh nghiệm thêu cờ Tổ quốc
Ngày trước khi còn khó khăn, mỗi người thợ lành nghề phải tự tay vẽ từng đường nét, viền cạnh ngôi sao cho thật đẹp và thật thẳng. Nhưng với số lượng lớn đòi hỏi chất lượng chỉn chủ hơn, gia đình chị Nhung cũng đã đầu tư một không gian kĩ thuật riêng. Trong đó có máy cắt chiều dài, chiều rộng cho từng loại kích thước, thiết kế phần viền cho ngôi sao 5 cánh ở giữa.
Xong công đoạn cắt sẽ là phần thiết kế hình ngôi sao trên máy tính, rồi in decal và trải lên khung, thực hiện công đoạn sơn để có được hình ngôi sao tại trung tâm lá cờ, rồi đem phơi cho đến khi khô ráo. Từ đó, mỗi người thợ sẽ căn chỉnh theo tỷ lệ đã in và thực hiện thêu tay ngôi sao vàng rực rỡ trên quốc kỳ Việt Nam. 
Đó là quy trình cơ bản mà gia đình Nhung vẫn ngày ngày làm ra lá cờ Tổ quốc thiêng liêng. Tỉ mỉ, cẩn thận, những lá cờ thêu tay còn đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Thợ lành đã có kinh nghiệm lâu năm thì mất 3 – 5 ngày, còn ai chưa nhuần nhuyễn thì phải mất tới hơn 10 ngày. 

Lá cờ được thêu đều tay, tỉ mỉ, cẩn thận
 
“Nếu may hay in cờ bằng máy thì rất nhanh, có thể xuất tới hàng chục, trăm lá cờ một ngày, nhưng cờ thêu thì lại khác. Thường đó sẽ là những đơn hàng phục cho nhu cầu đặc biệt, có ý nghĩa lớn và đòi hỏi chất lượng cao. Tay nghề của mỗi người thợ đều phải thật vững vàng.” 
Đi theo những lá cờ từ khi còn bé, với chị Nhung, làm cờ không chỉ là một nghề mưu sinh, mà đó là niềm tự hào, là truyền thống chị quyết tâm gìn giữ và theo đuổi. Chị Nhung chia sẻ: “Tôi vẫn mong các con có thể làm công việc mà mình yêu thích nhưng lưu giữ nghề truyền thống cũng quan trọng.” 
Được làm cờ không chỉ là niềm tự hào của riêng chị, mà còn của gia đình, của cả ngôi làng. Nên không chỉ chị Nhung, những thế hệ trẻ trong gia đình cũng tiếp nối công việc của mẹ, mang trọn tâm huyết, tình yêu của mỗi người thợ. Chị Vân Anh, con gái lớn của nghệ nhân Vương Thị Nhung tâm sự: “Dõi theo mẹ làm nghề, bản thân tôi cũng thấy tự hào và nhen nhóm đam mê. Cứ tự nhiên như vậy, nghề theo tôi tới tận bây giờ.”

Chị Vân Anh, con gái lớn của nghệ nhân Vương Thị Nhung (bên trái) quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống. 
 
Dù đã lập gia đình, hàng ngày chị Vân Anh vẫn về nhà mình để tiếp tục công việc truyền thống này. Từng đường kim mũi chỉ được thêu dệt, từng lá cờ được gấp gọn mang đi, mỗi thành phẩm từ nơi đây đều cho thấy tâm huyết và lòng thành gìn giữ hồn thiêng dân tộc của gia đình chị Nhung.
Kinh tế thị trường mở rộng, tốc độ đô thị hoá ngày càng nhanh, nhiều người dân trong làng chuyển hướng, không còn gắn bó nhiều với việc làm cờ. Song, tới mỗi dịp trọng đại của dân tộc, số lượng đơn hàng lớn cần nhân công, người dân trong làng vẫn sẵn sàng góp sức thêu dệt nên niềm tự hào của Tổ quốc.
Làm cờ Tổ quốc đối với chị Nhung và các gia đình tại đây không đơn giản chỉ là tạo hình hay in màu mà quan trọng hơn, phải khắc họa rõ nét trong mỗi lá cờ cái “hồn” dân tộc, niềm kiêu hãnh và tự hào của bao thế hệ người dân Việt Nam.
 
Tuyết Hạnh
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

ÁNH XUÂN DẬY MEN GỐM TÌNH NGƯỜI

Khi cành đào khoe sắc thắm dâng tràn một mùa xuân mới – Xuân Nhâm Dần 2022 cũng là năm anh Trần Văn Hợi ngấp nghé bước vào tuổi...

NÉT VĂN HÓA TRONG TRANH THỜ, MẶT NẠ GIẤY CỦA NGƯỜI DAO

Huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu là nơi có nhiều người Dao sinh sống. Sìn Hồ theo tiếng địa phương nghĩa là nơi có nhiều suối.