Điện thoại:(024) 37823877 - 092.8846879

Văn hoá truyền thống

Kỷ niệm 95 năm cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh (5/1930-5/2025) Cụ Nguyễn Quỹ – Bí danh Tàng Kim: TẤM GƯƠNG NGƯỜI CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG TRUNG KIÊN

Thứ hai , 23/06/2025 | 18:38 GMT+7
    Trong dòng chảy hào hùng của lịch sử cách mạng Việt Nam, có những con người bình dị nhưng mang trong mình khí tiết kiên cường, âm thầm đóng góp cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cụ Nguyễn Quỹ – bí danh Tàng Kim, sinh năm 1890 tại xã Nga Khê (nay là xã Đồng Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh – là một tấm gương tiêu biểu như thế. Dù chưa được công nhận chính thức là liệt sĩ hay cán bộ lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa, nhưng cuộc đời và sự hy sinh của cụ vẫn lặng lẽ tỏa sáng như ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng đất mẹ quê hương.  
      Người nông dân yêu nước bước vào hàng ngũ cách mạng
    Ngay từ những ngày đầu khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bắt đầu nhen nhóm, cụ Nguyễn Quỹ đã tham gia Nông hội đỏ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Trác Phong (thành lập tháng 10/1930). Với vai trò là Trưởng ban Cứu tế, cụ cùng các đồng chí như cụ Phan Dương, cụ Trần Hy, cụ Nguyễn Sinh đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đứng lên chống lại sưu cao thuế nặng, áp bức bóc lột của thực dân Pháp và chính quyền tay sai phong kiến.
    Đặc biệt, trong cuộc mít tinh ngày 22/10/1930 – một dấu mốc quan trọng trong phong trào cách mạng ở địa phương – cụ Nguyễn Quỹ là người đóng vai trò trung tâm: từ khâu chuẩn bị lực lượng, tổ chức hậu cần đến tuyên truyền vận động. Cụ không chỉ góp công sức mà còn tự nguyện đóng góp 5 đồng (tương đương với 5 tạ thóc lúc bấy giờ) vào quỹ đoàn thể, vượt xa chỉ tiêu mà Chi bộ đề ra, thể hiện tinh thần hy sinh vì lý tưởng.
       Người cán bộ “hai mặt” mưu trí, trung thành
    Sau cuộc mít tinh, cụ Nguyễn Quỹ được chính quyền thực dân bổ nhiệm làm Bang Tá. Tuy nhiên, với sự cho phép và chỉ đạo của Chi bộ, cụ trở thành cán bộ hoạt động “2 mặt”: ban ngày làm việc trong hàng ngũ địch, ban đêm là người nắm giữ thông tin, giữ liên lạc, bảo vệ các đảng viên, hội viên và tổ chức cách mạng.

                    

    Suốt những năm 1931–1936 – giai đoạn thực dân Pháp đàn áp khốc liệt – chính nhờ vị trí trong bộ máy chức dịch phong kiến, cụ Nguyễn Quỹ đã giúp cảnh báo và bảo vệ an toàn cho nhiều đảng viên, tổ chức cách mạng. Nhiều cán bộ nhờ cụ mà thoát hiểm, trong đó có cụ Phan Nhân Du, sau này là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Khăm Muộn (Lào), người đã từng viết giấy xác nhận cụ Nguyễn Quỹ là người "của ta" hoạt động trong lòng địch.
      Người cán bộ gương mẫu trong kháng chiến và kiến quốc
    Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ Nguyễn Quỹ tiếp tục tham gia chính quyền cách mạng với vai trò Trưởng Hội Liên Việt xã Nga Khê (nay là xã Đồng Lộc), thành viên Hội đồng nhân dân xã, phụ trách tư pháp xã và là hội thẩm của Tòa án nhân dân huyện. Cụ cùng các đồng chí như cụ Nguyễn Sinh, cụ Nguyễn Lương góp phần tổ chức hiệu quả các phong trào xóa mù chữ, chống giặc đói, giặc dốt, quyên góp trong Tuần lễ Vàng, xây dựng hậu phương vững mạnh cho kháng chiến.
      Nỗi oan và sự hy sinh thầm lặng
    Bi kịch đến vào năm 1955, trong cuộc cải cách ruộng đất, cụ Nguyễn Quỹ bị quy sai là “địa chủ cường hào” và bị xử bắn oan. Dù biết rõ mình bị xử sai, nhưng vì lo sợ đường dây bí mật hoạt động trong dân, trong lòng địch bị lộ – những người từng “giả nông dân”, “giả đầy tớ” sống quanh cụ để giữ liên lạc với tổ chức – cụ quyết không kêu oan, không phản cung, không khai ra sự thật.

                   
          
    Lời sau cùng của cụ không phải để minh oan cho bản thân, mà là để lại những bài thuốc quý cụ đã dày công sưu tầm, nghiên cứu, với mong muốn “chữa bệnh cứu người nghèo”. Chính những bài thuốc ấy, hơn 40 năm sau, đã được cháu gái nội của cụ – lương y Nguyễn Thị Tâm (Tâm Nguyễn) – kế thừa và phát huy, góp phần cứu chữa hàng nghìn bệnh nhân ung thư, mang lại hy vọng sống cho những người từng bị bệnh viện trả về.
      Danh dự được lịch sử và nhân dân ghi nhớ
    Dù chưa có chế độ chính thức, nhưng Công văn số 37 TLT/CV ngày 11/8/2006 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ghi tên cụ vào danh sách những người hoạt động cách mạng trước năm 1945, hy sinh chưa được công nhận. Đó là sự ghi nhận muộn màng nhưng chân thành.
    Hơn hết, tên tuổi, nhân cách và sự hy sinh của cụ Nguyễn Quỹ đã được lịch sử, nhân dân và chính gia đình, dòng tộc quê hương ghi nhớ. Một người chiến sĩ cách mạng đã hy sinh cả mạng sống, cả danh dự cá nhân để giữ gìn sự an toàn cho tổ chức, cho đồng đội. Một nhà nho y học đã để lại cho đời những phương thuốc quý chữa bệnh cứu người. Và một con người có trái tim vĩ đại đã lặng lẽ sống – rồi lặng lẽ ra đi – vì lý tưởng, vì dân tộc.

      Hạt giống từ người đi trước đã đơm hoa
    Ngày cụ Nguyễn Quỹ ra đi, cụ mang theo nỗi oan khiên nhưng để lại cho đời không chỉ là một tấm gương cách mạng trung kiên mà còn là gia tài y học quý giá – những phương thuốc dân gian cụ chắt lọc suốt đời để giúp người nghèo. Hơn 40 năm sau, lương y Tâm Nguyễn, cháu gái nội của cụ, đã làm hồi sinh di sản ấy.

                    
Lương y Tâm Nguyễn, cháu gái nội của cụ
 
    Từ chính những bài thuốc của ông nội, Tâm Nguyễn đã chữa khỏi căn bệnh ung thư hiểm nghèo của mình, rồi không ngừng tiếp tục hành trình cứu người. Bằng cái tâm trong sáng và lòng tận tụy, chị đã cứu chữa hàng nghìn bệnh nhân nan y cả trong nước và nước ngoài – những người từng mang án tử trở về từ lằn ranh sinh tử. Có bệnh nhân từng xúc động nghẹn ngào gọi chị là "người mẹ thứ hai", bởi nhờ chị mà họ được sống thêm những năm tháng của cuộc đời thật ý nghĩa.

                    
Bài thuốc chữa bệnh của Nhà thuốc Tâm Nguyễn
 
   Trong hành trình ấy, bóng dáng người ông năm xưa như vẫn hiện hữu – không phải trong những tấm huân chương, mà trong từng thang thuốc, từng bệnh nhân được cứu sống, từng nụ cười trở lại với gia đình. Cụ Nguyễn Quỹ đã hóa thân vào một thế hệ tiếp nối – tiếp tục hành trình phụng sự con người, phụng sự nhân dân – bằng trái tim, bằng tri thức, và bằng sự hy sinh thầm lặng.
Trần Miêu
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

NHÀ GIÁO NGUYỄN CẢNH ÂN: MỘT ĐỜI GIEO CHỮ, ƯƠM MẦM VĂN HÓA

    Sinh ra giữa thế kỷ XX, vào những năm đầu đất nước giành được độc lập, nhà giáo – nhà phê bình văn học Nguyễn Cảnh Ân...

Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Hải Phòng: ÂN TÌNH NGÀY GẶP MẶT

     * Cuộc gặp gỡ đầy xúc động của Tiến sĩ Phạm Vũ Câu và những người đồng nghiệp cũ nhân kỷ niệm 70 năm Giải phóng Hải Phòng –...

Việt kiều Mỹ - Ông Nguyễn Văn Đồng: “ 30 THÁNG TƯ LÀ NGÀY QUỐC HỶ !”

    Trong không khí thiêng liêng và đầy xúc động cả nước hướng về đại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền...

Trưởng thôn Cao Xuân Bồng: LO CHO DÂN ĐỂ PHÚC CHO CON

    Cách đây gần chục năm (2016) anh Lê Trung Hà - Chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ (nay là Bí thư Đảng ủy xã), nói với chúng tôi: Anh Bồng...