Nghiên cứu trao đổi
QUẢN LÝ KINH TẾ BÁO CHÍ CỦA CÁC TẠP CHÍ THUỘC LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC KỸ THUẬT VIỆT NAM
Một số vấn đề đặt ra từ thực trạng quản lý kinh tế báo chí của các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Theo thống kê của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội) thì hiện nay, báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có 01 cơ quan báo chí trực thuộc trực tiếp, trực thuộc các Viện trực thuộc là 21 cơ quan báo chí, trực thuộc trực tiếp các hội ngành là 47 cơ quan báo chí, tổng cộng là 69 cơ quan báo chí. Nếu tính đến số tạp chí chuyên ngành trực thuộc các chi hội của ngành toàn quốc thì tổng gần 90 cơ quan báo chí, chưa kể đến trang tin điện tử, bản tin nội bộ của các đơn vị trong toàn hệ thống.
Đã có rất nhiều tạp chí thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có uy tín trong làng tạp chí Việt Nam. Các tạp chí của các Hội, tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam phần lớn đều có tính khoa học cao, có uy tín, thương hiệu, vị thế, có trích dẫn nhiều hoặc có nhiều bạn đọc. Những người viết tạp chí, đặc biệt là các tạp chí chuyên ngành sâu là cán bộ KH&CN, nhà khoa học chuyên sâu rất có uy tín, họ là những giáo sư, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, viện sĩ...Từ những điều tự hào trên đã tạo nên uy tín của Liên hiệp Hội Việt Nam, tạo nên uy tín của nền KH&CN nước nhà, ngoài những báo, tạp chí tốt, có thương hiệu trong nước và quốc tế về tính khoa học hoặc nhiều độc giả yêu thích thì không ít tạp chí đang hoạt động rất khó khăn, sự tồn tại của nó phải là một sự nỗ lực phi thường.
Một số Tạp chí nằm trong quản lý của LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC KỸ THUẬT VIỆT NAM
Khảo sát tại một số tạp chí thuộc Liên Hiệp Hội như tạp chí Tinh hoa Đất Việt, tạp chí Việt Nam Hội Nhập, tạp chí Sức khỏe và Môi trường… cho thấy hiện các tạp chí đều thực hiện cơ chế tự chủ về ngân sách. Vì vậy, lãnh đạo các tạp chí đều đã tích cực đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh, đồng thời cũng đã tham gia tích cực các hoạt động xã hội, tạo thương hiệu, mở rộng đối tượng bạn đọc, tăng nguồn thu cho tòa soạn. Lãnh đạo các tạp chí đều đã xác định KTBC là con đường sống còn của tòa soạn, việc tạo ra nhiều nguồn thu sẽ giúp các tòa soạn trụ vững và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, nhất là trong giai đoạn hiện nay các tạp chí nói chung, các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đang phải chịu sự tác động không nhỏ của truyền thông MXH như facebook, zalo, tiktok... Chính vì vậy, để tăng nguồn thu, các tạp chí đều tăng cường lập kế hoạch kinh doanh đối với việc tổ chức sự kiện, cung cấp dịch vụ quảng cáo hoặc dịch vụ công nghệ thông tin của toà soạn. Ngoài ra, các tạp chí còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng, bởi với uy tín và các mối quan hệ của mình, các tạp chí này có khả năng huy động được các nguồn lực như: Tiền, hàng hoá, nhân lực… để tổ chức các hoạt động xã hội - từ thiện.
Hiện nay, nguồn thu của các tạp chí thuộc Liên hiệp Hội chủ yếu đến từ các hoạt động như: hoạt động sản xuất và phát hành sản phẩm báo chí; hoạt động quảng cáo; hợp tác tuyên truyền và tổ chức sự kiện… Bằng nhận thức đúng đắn, hoạt động quản lý kinh tế báo chí của các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tuân thủ các quy định pháp luật trong quản lý kinh tế báo chí trong đó đặc biệt là Luật Báo chí 2016, Luật Quảng cáo 2012, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập cùng các quy định về chính sách thuế doanh nghiệp… Bảo đảm cho các hoạt động của cơ quan trong đó có hoạt động quản lý kinh tế báo chí theo đúng tôn chỉ, mục đích là yêu cầu quan trọng của các Tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam mà còn là nhiệm vụ chính trị của bộ máy lãnh đạo, đặc biệt là Ban biên tập của các Tạp chí. Đồng thời, nhờ quản lý tốt hoạt động kinh tế báo chí, các tạp chí thuộc Liên hiệp hội đã xây dựng được thương hiệu của cơ quan báo chí mình từ đó thu hút được các nguồn thu, đảm bảo được nguồn kinh phí cho các tòa soạn tạp chí hoạt động hiệu quả, tự chủ hoàn toàn về kinh phí và thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, hoạt động quản lý kinh tế báo chí của các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế khó khăn. Trong thời gian qua, các tạp chí thuộc Liên hiệp Hội có cơ sở vật chất còn hạn chế, giao diện chưa đổi mới và vận hành còn nhiều bất cập, chưa bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ truyền thông số. Đội ngũ nhân sự thực hiện hoạt động kinh tế và quản lý kinh tế báo chí có năng lực chưa đồng đều, tính chuyên nghiệp chưa cao, khả năng tư duy và làm độc lập còn bộc lộ nhiều yếu điểm, kinh nghiệm hạn chế, đặc biệt là trong yêu cầu sáng tạo trong công việc quản lý; chưa thực sự đầu tư trong quản lý hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng nội dung sản phẩm. Tất cả những hạn chế trên dẫn đến tình trạng số lượng bạn đọc, số lượng quảng cáo ít, nguồn thu hạn chế.
Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế báo chí tại các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời gian tới
Nhìn vào thực trạng nêu trên có thể thấy, hoạt động kinh tế báo chí tại các Tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội. Do đó, đòi hỏi nhà quản lý và cơ quan có thẩm quyền cùng chung tay xây dựng giải pháp, hướng đi, hướng đến mục tiêu phát triển hoạt động kinh tế báo chí như một ngành kinh tế độc lập.
Một số cuộc Hội thảo về Kinh tế Báo chí diễn ra tại Hà Nội năm 2024
Hiện nay, một số cơ quan báo chí trong và ngoài nước đã, đang áp dụng các biện pháp để nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh tế báo chí như: chủ động ký kết hợp đồng quảng cáo, xuất bản ấn phẩm, tự hạch toán chi tiêu,… Ngày nay, việc doanh nghiệp lựa chọn và hỗ trợ kinh phí cho các kênh chính thống như báo chí, tạp chí để phản ánh thông tin đã trở nên phổ biến hơn thời gian trước đây. Do đó, để nắm bắt cơ hội này, các tạp chí cần nâng cao chất lượng thông tin cũng như nâng cấp hình thức truyền tải nhằm thu hút độc giả, từ đó gia tăng nguồn thu, cải thiện vấn đề tự chủ tài chính. Hơn nữa, việc cơ quan báo chí tự chủ tài chính không đồng nghĩa với việc mô cơ chế hoạt động sẽ giống một doanh nghiệp, vì thế, các yêu cầu về thông tin đúng với chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước vẫn là ưu tiên hàng đầu, vấn đề kinh tế chỉ là mục đích thứ cấp.
Để có được thông tin chất lượng, các nhà báo, phóng viên cần chủ động nâng cấp bản thân, nỗ lực cống hiến, giữ vững bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nhà báo để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí nhân văn, có giá trị thông tin tuyên truyền, phù hợp với nhu cầu thực sự của số đông độc giả. Bên cạnh kỹ năng đưa tin, viết bài, nhà báo phóng viên cũng cần nâng cao kỹ năng truyền thông, quảng cáo để gia tăng nguồn thu, góp phần xây dựng tạp chí với thương hiệu vững mạnh, góp phần vào công cuộc đổi mới phát triển của báo chí nước nhà. Không những thế, bộ, ngành và các cơ quan chủ quản cần thiết lập và thực hiện chính sách thông thoáng hơn nữa để giúp các cơ quan báo chí có thêm nguồn thu, tự nuôi sống mình. Cụ thể:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cơ quan chủ quản về hoạt động kinh tế báo chí
Tính đến tháng 12- 2023, sau gần 7 năm thi hành Luật Báo chí 2016 và 4 năm thực hiện Quy hoạch phát triển, quản lý báo chí đến năm 2025, các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã được tổ chức lại theo hướng giảm trùng lặp tôn chỉ, mục đích, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiện đại hóa. Một xu thế không thể đảo ngược hiện nay là các CQBC phải đẩy mạnh hoạt động KTBC, thực hiện tự chủ tài chính. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách và nhận thức về hoạt động KTBC còn chưa đồng bộ và đầy đủ, chính vì vậy trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp sau:
- Về nhận thức: Cấp ủy, tổ chức Đảng, các tổ chức, đoàn thể trong các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của mình về vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động kinh tế báo chí trong sự tồn tại và phát triển của CQBC.
- Cơ chế, chính sách về KTBC: Các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác báo chí và tài chính, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí và KTBC để phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những quy định đã lạc hậu so với sự phát triển báo chí truyền thông hiện đại. Đặc biệt cơ quan Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách về KTBC và tự chủ tài chính của CQBC. Trên cơ sở đó, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với các CQBC thuộc phạm vị quản lý của mình. Các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế hỗ trợ việc cung ứng dịch vụ công trong hoạt động KTBC, tuy nhiên cần có cơ chế Nhà nước hỗ trợ, đặt hàng như đối với dịch vụ công để tuyên truyền những vấn đề mà Nhà nước yêu cầu; các hoạt động sản xuất nội dung các chương trình còn lại đơn vị tự cân đối thu – chi
Hai là, hoàn thiện bộ máy quản lý và nâng cao nhận thức, năng lực cho chủ thể quản lý hoạt động kinh tế báo chí tại các tạp chí
Hoàn thiện bộ máy quản lý: Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý KTBC vừa đảm bảo hướng tới tự chủ hoàn toàn về tài chín, các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần kiện toàn bộ máy nhân sự theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và cơ động phù hợp với lĩnh vực, tôn chỉ mục đích hoạt động riêng của các tòa soạn. Đặc biệt là nâng cao khả năng quản lý kinh tế của thành viên ban biên tập, tập trung cử cán bộ tham gia các lớp, khoá học về quản lý kinh tế, tuyển dụng kế toán, thủ quỹ có trình độ chuyên môn tốt và đội ngũ làm quảng cáo có sự linh hoạt và năng động.
Về cơ cấu bộ máy của các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, hiện nay, phần lớn các tạp chi đều chưa có phòng truyền thông quảng cáo riêng, bởi vậy cách lập phòng truyền thông quảng cáo để kiện toàn bộ máy về hoạt động kinh tế báo chí, phải có trưởng, phó phòng am hiểu về chuyên môn, khả năng quản lý kinh tế báo chí và các chuyên viên đáp ứng nhu cầu công việc.
Nâng cao nhận thức, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế báo chí tại tòa soạn: Cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý KTBC. Cấp có thẩm quyền tập trung rà soát, xem xét, các yêu cầu hoạt động theo quy định của pháp luật về báo chí đối với đội ngũ này. Đồng thời, tăng cường lực lượng thanh tra chuyên ngành báo chí, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý kinh tế báo chí. Chú trọng công tác xây dựng Đảng trong hoạt động KTBC; có cơ chế, chính sách cụ thể, bảo đảm cho cấp ủy, tổ chức đảng thực sự nêu cao trách nhiệm chính trị, vai trò lãnh đạo trong tổ chức và hoạt động KTBC.
Ba là, đa dạng hoá sản phẩm báo chí nhằm tạo nguồn thu
Nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí đối với các CQBC nói chung và các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nói riêng là một trong những giải pháp sống còn. Đặc biệt, báo chí đang trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt hiện nay, mỗi cơ quan, mỗi toà soạn đều lên kế hoạch rõ ràng cho việc cải thiện chất lượng sản phẩm báo chí, từ chất lượng hình ảnh, nội dụng thông tin, tính thời sự, cập nhập của tác phẩm báo chí. Ngoài ra, cần tăng cường nghiên cứu sản xuất các chương trình, sản phẩm báo chí có tính giải trí, thu hút công chúng, có như vậy mới kích thích được người xem, mang lại nguồn thu ổn định cho CQBC.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, lãnh đạo các các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần áp dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ AI vào sản xuất các chương trình báo chí, vừa khai thác được tính tiên tiến của công nghệ, vừa tiết kiệm được nhân lực. Để nâng cao chất lượng báo chí để tăng tính cạnh tranh, nâng cao thị phần công chúng, các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần có đội ngũ nhân sự chuyên sâu trên các lĩnh vực và máy móc hiện đại bảo đảm yêu cầu đạt ra. Có như vậy mới bảo đảm nguồn thu cho hoạt động kinh tế báo chí của cơ quan, phát triển các nguồn thu khác của CQBC.
Bốn là, tăng cường các giải pháp về cơ chế tạo nguồn thu
Các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần xây dựng cơ chế thu phí trên các phiên bản điện tử. Đây là một lựa chọn trong rất nhiều lối đi trên con đường phát triển của một CQBC. Việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó có chiến lược thu phí phiên bản tạp chí điện tử. Các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần tạo nguồn thu từ nội dung số, các toà soạn báo chí này cần có thêm nội dung số sẽ có thêm công chúng và có thêm nguồn thu. Nguồn thu từ nội dung số sẽ gồm: Thu từ việc bán bản quyền cho các trang tin điện tử hoặc mạng xã hội, ứng dụng dịch vụ truyền thông; thu từ quảng cáo trực tiếp và gián tiếp; sự kiện truyền thông.
Đối với nguồn thu từ quảng cáo, các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần tích cực và chủ động đi tìm khách hàng có nhu cầu quảng cáo như Doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh... Trong thời gian tới, lãnh đạo và các phòng ban chức năng của các cơ quan các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu lại bảng giá quảng cáo, dịch vụ và cơ chế, chính sách hợp tác thật hấp dẫn, hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp nói riêng và khách hàng quảng cáo nói chung trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, các tạp chí cần xây dựng chiến lược, mục tiêu cụ thể và quyết tâm mời gọi, khai thác nguồn thu trên kênh phát thanh (postcard), website, YouTube, Facebook và các MXH khác
Về tổ chức sự kiện, các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần tạo lập cơ chế để được tổ chức hoặc tham gia đấu thầu các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, thậm chí là những sự kiện có quy mô lớn hơn. Thêm vào đó, để tăng nguồn thu cho các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cần tích cực tổ chức Livesteam những sự kiện quan trọng do Liên hiệp hội và các tạp chí tổ chức; mời nhân vật nổi tiếng, chuyên gia, nhà khoa học, hiện tượng mạng…để từ đó có thể thu hút công chúng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu và khai thác nguồn thu từ hoạt động từ hoạt động quảng cáo, dịch vụ quảng cáo, xây dựng hình ảnh nhân vật...
Về dịch vụ, các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam để da dạng nguồn thu và đáp ứng nhu cầu của công chúng thì cần mở rộng các loại hình dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ maketing như các sản phẩm về sản xuất trailer, phóng sự, phim tài liệu, mẫu quảng cáo, clip nhạc, quay hình; bán thiết bị nghe nhìn; sửa chữa máy móc, lắp đặt đầu thu, tư vấn miễn phí; thông tin kinh tế, xã hội; nhận mở lớp dạy quay phim...
Về xã hội hóa, tài trợ, lãnh đạo các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm trong việc ký hợp đồng bảo trợ thông tin.
Năm là, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động báo chí và hoạt động kinh tế báo chí tại các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, thực hiện các biện pháp hỗ trợ và khuyến khích các tòa soạn, tạp chí có điều kiện nâng cấp, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị trong quá trình hoạt động kinh tế và thực hiện nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền. Khuyến khích và thúc đẩy các các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các công nghệ làm báo hiện đại, nhằm thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong việc sản xuất, phát sóng các chương trình, tin, bài, khắc phục tình trạng giật tít, đưa thông tin không đúng bản chất, tạo sự nhầm lẫn cho độc giả.
Ngoài ra các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đẩy mạnh quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý kinh tế báo chí. Bởi hiện nay, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực báo chí truyền thông là một xu thế tất yếu hiện nay, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt đọng quản lý KTBC là một nhiệm vụ cấp thiết của các toà soạn báo nói chung và các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nói riêng. Ứng dụng công nghệ trong quản lý KTBC cho phép tự động hóa quy trình tác nghiệp làm giảm các chi phí hoạt động, nâng cao hiệu suất kinh doanh, hoạt động quản lý thu – chi của CQBC.
Ảnh minh hoạ ( Ngọc Tiến )
Kinh tế báo chí phát triển là một nhu cầu tất yếu của xã hội, mang lại nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động báo chí, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của người làm báo. Phát triển kinh tế báo chí lành mạnh không nên nhầm lẫn với “thương mại hóa” theo kiểu giật gân, câu khách rẻ tiền, giảm chất lượng thông tin báo chí, coi báo chí là loại hàng hóa thuần túy, dẫn tới tiêu cực trong hoạt động. Làm báo thì phải bán sản phẩm báo chí chứ không để bao cấp, do đó tạp chí phải tăng độc giả và phát hành để tăng khả năng thu hút quảng cáo và dịch vụ truyền thông. Chính vì thế, các nhà báo hiện nay không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ báo chí mà cần phải có kiến thức cơ bản về kinh tế và hiểu biết về nguyên lý hoạt động thị trường truyền thông để tích cực tham gia vào các dự án, góp phần xây dựng chiến lược phát triển của tòa soạn.