Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Thế giới đó đây

Thành phố Cẩm Phả: Những di tích lịch sử văn hóa đầy ấn tượng

Thứ hai , 25/10/2021 | 22:11 GMT+7
May mắn hơn các vùng miền trên đất nước, có lẽ thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh được bà mẹ thiên nhiên ban tặng cho nhiều ưu ái. Đó là một vùng tài nguyên khoáng sản than đá nhiều nhất và tốt nhất Việt Nam. Đó là vùng biển đảo vịnh Bái Tử Long, núi non, rừng núi phong thủy hữu tình. Đó là một nơi hội tụ khá nhiều địa điểm di tích lịch sử, văn hóa tâm linh khá ấn tượng.      
Đền Cửa Ông tọa lạc ngay trên bờ vịnh Bái Tử Long thuộc phường Cửa Ông – TP. Cẩm Phả nơi  thờ vị thần Đức Ông Đệ Tam cửa Suốt chính tên là Trần Quốc Tảng, con thứ ba của Trần Hưng Đạo, tước Hưng Nhượng Vương  một vị tướng tài thao lược đã góp phần chiến thắng quân Mông Nguyên, rất linh thiêng. Văn chầu nêu rõ Ông đã nhiều lần giáng phúc, trừ tai, giúp cho dân chúng an cư lạc nghiệp.
700 năm tọa lạc trên vùng sơn thủy hữu tình, ngôi Đền được trùng tu nhiều lần và đang trở thành một kỳ quan linh thiêng nhất vùng Đông Bắc tổ quốc – Một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam hiện nay.

 

 
Đền Cặp Tiên cùng quần thể di tích đền Cửa Ông được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận Di tích lịch sử năm 1989.
Ngày 18/8/2006, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xếp hạng đền Cặp Tiên là di tích Kiến trúc nghệ thuật và danh thắng; ngày 25/12/2017 cùng với Di tích đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) - đền Cặp Tiên được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Theo sách Đồng Khánh Dư Địa Chí, thì tiền thân đền Cửa Ông là Suốt Hải Thần Từ (Cửa Suốt). Tương truyền vào thời Trần có bọn giặc răng trắng môi vàng quấy phá, cướp bóc dân địa phương. Tại xã Hải Lãng (nay đổi tên là Hải Lạng, Tiên Yên) có người trai họ Hoàng tên Cần xin cầm quân binh đi đánh giặc. Ngài cầm gậy tre đánh giặc đuổi đến xã Vô Ngại (nay thuộc Bình Liêu) thì cắm ngược gậy tre xuống đất, từ đó tre vùng này đều có đốt mọc ngược. Miếu thờ Ngài tại địa phận xã Cẩm Phả tục gọi là Miếu Đức Ông. Các triều đại phong tặng là KHÂM SAI THÁI BẢO XUYÊN QUỐC CÔNG TÔN THẦN. Sắc phong trải qua nhiều lần binh biến nên bị thất lạc. Vào năm Vua Thiệu Trị thứ nhất (1841) châu nha sưu tầm được và sao nộp. Phàm dân trong châu và thuyền bè qua lại bắc nam đều đến, quan quân đánh giặc đến miếu làm lễ cầu đảo đều tức thời linh nghiệm. Năm Tự Đức thứ 6 (1853) được ban phong làm BẢN CẢNH THÀNH HOÀNG LINH PHÙ CHI THẦN.
Trước mặt miếu thờ là Cửa Biển Suốt, hai bên bờ là bãi cát, rừng sâu rậm rạp. Giữa của biển có đảo Cặp Tiên (Cập Tiên, Gặp Tiên đều hiểu được theo nghĩa như nhau) đứng dừng sững giữa nước non. Phía tây là Biển Suốt, phía Đông là Biển Đông gọi chung là Suốt Hải. Thuỷ triều lên sâu 3 trượng 5 xích (14m), thuỷ tịch xuống sâu 2 trượng (8m), cửa biện rộng 25 trượng (100m).
Núi Cặp Tiên (khu vực đền Cặp Tiên hiện nay) nằm ở khu vực xã Đại Độc. Dưới núi có giếng nước thanh mát gọi là Giếng Cặp Tiên, người dân đi biển đều lấy nước mang theo uống. Sau này dân Chài lập miếu thờ ngay chỗ giếng nước, dần dần xây dựng lớn hơn tại vị trí đền hiện tại, rồi thờ Tĩnh Huệ Công Chúa là con gái của Đức Ông Phạm Ngũ Lão cùng người con gái thứ hai của Hưng Đạo Đại Vương - Quyên Thanh Công Chúa.

 

 
Đình - nghè Cẩm Hải được xây dựng từ năm 1980 tại thôn 3, xã Cẩm Hải. Hằng năm cứ vào ngày 1/6 âm lịch, nhân dân xã Cẩm Hải lại tổ chức Lễ hội đình – nghè Cẩm Hải, nhằm nhớ đến công lao của 6 vị đại vương đã dựng xây nên mảnh đất này. Năm nay, đình – nghè Cẩm Hải còn vinh dự đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Ngay sau phần trao bằng đã diễn ra lễ hội đình - nghè Cẩm Hải năm 2019. Người dân Cẩm Hải và xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) đã tôn kính rước kiệu 6 vị Đại vương ra miếu thôn 5 làm lễ rồi quay lại đình tiến hành lễ yên vị trong âm thanh sôi động của đoàn hộ tống. Đoàn rước gồm 22 đội, với mở đầu là đội kỳ lân mở đường nghinh thần, tiếp đến là đội quốc kỳ, trống dập, cờ làng, chấp hiệu tiền quân, bát biểu, đội chèo tải, bát âm...

 

 
Khu di tích và danh thắng Vũng Đục thuộc phường Cẩm Đông (TP Cẩm Phả) được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1999, rộng khoảng 10.000m2, là một quần thể gồm đền, đài, hang động, quy tụ tại núi Bàn Cờ, nằm bên bờ Vịnh Bái Tử Long thơ mộng. Tháng 8/2017, khu di tích và danh thắng Vũng Đục được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch trên địa bàn TP Cẩm Phả.
Trong những năm 1946-1948, sau khi chiếm lại được khu mỏ Quảng Ninh, thực dân Pháp ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân khu mỏ. Với chính sách “Dùng người Việt, trị người Việt” chúng thành lập tổ chức “Mật thám liên bang” là những tên tay sai, chỉ điểm để bắt những người dân yêu nước, những đoàn viên Công đoàn và Thanh niên cứu quốc tại các hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp, xóm thợ, dân phố... Vùng mỏ chìm trong không khí khủng bố đẫm máu, các cơ sở cách mạng bị tổn thất nặng nề, cảnh sát, mật thám ngày đêm rình mò, bắt bớ. Hơn 300 đảng viên, đoàn viên công đoàn, hàng trăm công nhân, nhân dân bị cầm tù, tra tấn.
Vụ khủng bố ở Vũng Đục vào cuối năm 1948 là cuộc khủng bố đẫm máu nhất, dã man nhất, hàng trăm người bị bắt, hàng chục người sau khi dùng mọi cực hình tra tấn, chúng dùng dây thép gai, xâu tay, cho vào bao tải, buộc đá, đêm đêm dùng thuyền chở ra ngoài Vũng Đục dìm xuống biển. Trong số họ có người là lãnh đạo cốt cán, có người là quần chúng yêu nước, một số người tuổi đời còn rất trẻ, đang ở độ tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, sau sự kiện này, chẳng những phong trào cách mạng không bị dập tắt mà còn được thổi bùng lên mãnh liệt hơn trong lòng những người công nhân mỏ. Đến nay, 8 liệt sĩ đã được xác định rõ danh tính là Nguyễn Thị Tý, Phạm Thị Tỵ, Đoàn Thị Mão, Nguyễn Thị Bích, Trần Thị Thu, Phạm Thị Ngọ, Phạm Thị Xuyến, Trần Thị Nga. Cùng với 8 liệt sĩ kể trên còn hàng trăm chiến sĩ, thợ mỏ yêu nước khác hiện đang yên nghỉ dưới khu vực Vũng Đục mà chưa thể biết được danh tính, chưa thể tìm được hài cốt. 
Để tưởng nhớ và ghi nhận sự dũng cảm của những công nhân mỏ ưu tú, đã chịu đựng những đòn tra tấn dã man và chấp nhận hi sinh để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng. Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2/1993, Đảng bộ và nhân dân thị xã (nay là thành phố) Cẩm Phả đã xây dựng đài tưởng niệm ngay dưới chân núi Bàn Cờ, bên cạnh nơi mà thực dân Pháp đã dìm các chiến sĩ xuống biển.
Bên cạnh đó, trong dãy núi Bàn Cờ còn có hệ thống hang động tự nhiên với các nhũ đá lung linh, huyền ảo. Là người có tâm, có tầm và có tài, doanh nhân Vũ Xuân Đức – Giám đốc Công ty TNHH Đức Ngọc đã đầu tư xây dựng ngôi Đền thờ các liệt sỹ vùng Mỏ đã anh dung hy sinh trong thời ký kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

 
Ngày 12-11-1936, truyền đơn kêu gọi nghỉ việc chuẩn bị đấu tranh bao trùm khu mỏ. Sáng sớm ngày hôm sau, 13-11-1936, nhiều truyền đơn, áp phích kêu gọi đấu tranh lại tiếp tục xuất hiện ở các ngã tư, lối lên tầng lò v.v. Chỉ trong vòng hai giờ, cuộc bãi công đã lan rộng khắp nơi và địa điểm tập trung đông nhất của những người bãi công là ở khu vực núi Trọc (nay là ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai). Ngay lập tức, chủ mỏ cùng bọn cai ký bàn cách chống phá cuộc bãi công. Tối hôm đó chúng xuống các lán thợ đe doạ, lôi kéo công nhân từ bỏ cuộc đấu tranh. Thế nhưng các đội xung kích của công nhân đã cảnh cáo những tên cai hung hăng và giải thích vận động anh em thợ giữ vững đội ngũ, đoàn kết chặt chẽ, với khẩu hiệu: “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!”. Đến 2 giờ chiều ngày 14-11-1936, bộ phận còn lại của công nhân Cẩm Phả cũng đã bãi công và số người tham gia lên tới hơn một vạn người... Cuộc bãi công kéo dài đến ngày thứ tám thì bọn chủ mỏ đã phải nhượng bộ, chấp nhận mọi yêu sách của công nhân...
Tin cuộc bãi công của công nhân Cẩm Phả thắng lợi đã khích lệ công nhân các nơi khác như Hồng Gai, Đông Triều v.v. cũng tiến hành bãi công và tạo thành một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ, với hơn ba vạn thợ mỏ và người lao động ở Vùng mỏ tham gia...
Ghi nhận sự kiện quan trọng trong lịch sử cách mạng của công nhân mỏ này, năm 1997, cùng với một số địa danh khác, khu núi Trọc, nơi “ngòi nổ” của cuộc đấu tranh bắt đầu, đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử (theo Quyết định số 985/QĐ-VH ngày 5-11-1997). 
Ngày vùng mỏ bất khuất hay Ngày truyền thống của công nhân vùng mỏ, Ngày truyền thống ngành than là một ngày lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh những người công nhân làm việc trong ngành Than, được tổ chức vào ngày 12/11 hàng năm tại Việt Nam.

 
                                                                                                                                Văn Nguyễn ( sưu tầm)
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vì một Hà Nội đáng sống

Ý tưởng biến các nhà máy cũ thành không gian nghệ thuật đã thành quen thuộc ở nhiều quốc gia, nhưng lại đang tạo ra cảm xúc mới mẻ cho...

Phụ nữ Thái gìn giữ bản sắc

 Họ là những người thợ thủ công khéo tay với các nghề dệt may, thêu thùa, tạo ra những sản phẩm đặc sắc như áo váy, đồ thổ cẩm......

Phấn đấu thành bệnh viện chuyên sâu vùng Duyên hải Bắc Bộ

Đó là mục tiêu chiến lược được Ban Chấp hành Đảng bộ Bệnh viện Hữu nghị Việt nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra. Để thực hiện được mục tiêu này,...