Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Văn hoá truyền thống

XÃ THUỶ XUÂN TIÊN: Góp phần làm vơi đi những đau thương mất mát, hy sinh

Thứ hai , 24/07/2023 | 14:48 GMT+7
    Thuỷ Xuân Tiên đang nỗ lực phấn đấu trở thành xã Nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Chương Mỹ, Tp.Hà Nội. Những năm qua, các vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội luôn được cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc xã quan tâm chú trọng.  
    Đặc biệt là việc phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, xã Thuỷ Xuân Tiên luôn thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo tốt chính sách thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ nhằm xoa dịu những nỗi đau mất mát, bù đắp tinh thần cho những người có công. Qua đó thể hiện lòng tri ân, biết ơn sâu sắc với thế hệ cha ông không tiếc xương máu, bỏ lại một phần cơ thể nơi chiến trường, giành lại độc lập tự do cho Tổ Quốc, hạnh phúc của nhân dân. 
    Vào tháng tri ân này, chúng tôi cùng ban lãnh đạo xã đến thăm gia đình thương binh Đàm Văn Sình ở thôn 4, xã Thuỷ Xuân Tiên. Ông Sình năm nay 82 tuổi, đang ở với người con trai út. Người lính Cụ Hồ này đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm xưa, nay vẫn gắng sức trông nom các cháu. Hàng ngày ông đưa đón các cháu đi học, rồi cùng người vợ thân yêu của mình nuôi ong, chăm sóc vườn tược đảm bảo thức ăn xanh hàng ngày cho gia đình. 

                  
Thương binh Đàm Văn Sình xã Thủy Xuân Tiên chia sẻ: Tôi cũng như các gia đình chính sách của xã thật sự hài lòng với những gì mà Đảng, Nhà nước và địa phương quan tâm
 
    Nhấp chén trà, ngược dòng thời gian, chúng tôi được biết: Khi còn là chàng thanh niên “gân đang săn và thớ thịt căng ra”, năm 1964 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc Đàm Văn Sình lên đường nhập ngũ. Ông trải qua khắp các mặt trận, Nam Lào rồi chiến trường B. Sau trận Mậu Thân – 1968, đơn vị ông được điều về Quảng Trị. Tại đây, trong một lần vây ráp quân địch ông đã bị thương, mất một bên cánh tay. Ông phải xa đồng đội, lui lại hậu tuyến.
    Từ 1969 đến sau giải phóng miền Nam, ông đi hết trại an dưỡng này qua trại an dưỡng khác. Chính thức, năm 1976 ông mới trở về quê theo chính sách đón thương binh về làng của Đảng và Nhà nước.
    Qua bao hiểm nguy, rình rập của bom đạn, chứng kiến những mất mát hy sinh của bao đồng đội, ông bảo cái giá của độc lập, hoà bình nó lớn lắm, không thể đo đếm được với dân tộc mình. Vì thế, tôi chỉ mong các con cháu chúng ta luôn khắc ghi được điều đó để mà giữ gìn, ông tâm sự.
    Trở về với đời thường, mang trên mình vết thương chiến tranh không thể nào lành lặn được. Những lúc trái gió, trở trời, vết thương lại đau buốt, nhưng với thương binh Đàm Văn Sình giờ đây nó lại trở thành một kỷ niệm, một phần ký ức không thể phai mờ.

                  
Thương binh Đàm Văn Sình bên người vợ thân yêu của mình
 
    Ông cùng với bao thế hệ trai tráng của quê hương Thuỷ Xuân Tiên thật sự là những người con ưu tú góp phần tô thắm thêm lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam ta. Ông Sình chia sẻ, bản thân tôi cũng như bao gia đình chính sách khác chúng tôi thật sự yên tâm với những gì mà trên cùng với địa phương đãi ngộ…
Trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và đánh đuổi quân Tàu, xã Thuỷ Xuân Tiên đã tiễn đưa bao lớp người con quê hương lên đường tòng quân, trong có 93 người con của quê hương đã anh dũng hy sinh; 69 thương bệnh binh đã để lại một phần xương máu trên khắp chiến trường; 32 người bị nhiễm chất độc hóa học; có 01 bà mẹ liệt sĩ được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. 
    Ông Lê Quý Điệp – Đảng uỷ viên, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng, những năm qua, việc chăm lo, đền ơn đáp nghĩa cho gia đình chính sách, người có công luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân xã Thuỷ Xuân Tiên quan tâm và coi đây là nhiệm vụ quan trọng.

                  
Phó chủ tịch UBND Xã Thủy Xuân Tiên - Lê Ngọc Điệp cho biết: Vào tháng tri ân ( tháng 7 ) này các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong xã đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực như thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách người có công, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân... nhằm vơi đi những mất mát đau thương của các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh.

    Theo đó, để công tác Đền ơn - Đáp nghĩa, chăm lo cho người có công đạt hiệu quả, hàng năm, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã ban hành các kế hoạch, triển khai công tác chăm sóc người có công và tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ; vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội”; rà soát việc thực hiện các chính sách ưu đãi người có công. Việc chi trả chế độ cho các đối tượng, người có công được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng đối tượng, đúng thời gian. Chỉ tính riêng 06 tháng đầu năm 2023, ngoài việc chi đúng, chi đủ số tiền theo chính sách của Nhà nước, xã còn vận động được gần 70 triệu đồng (đạt hơn 70% chỉ tiêu kế hoạch năm) cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhằm hỗ trợ cho các đối tượng người có công vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày TBLS năm nay.
    Bên cạnh đó, UBND xã còn tạo điều kiện cho các gia đình sách tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tiếp cận các phong trào giảm nghèo để chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.  
    Tiếp tục phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh liệt sỹ năm nay cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Thuỷ Xuân Tiên đã và đang thực hiện tốt mọi chế độ chính sách với người có công. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình TBLS; tu sửa nghĩa trang, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ. 
    Đó là những hoạt động thiết thực nhất nhằm tri ân gia đình người có công, những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc để giành lại cho cuộc sống bình yên hôm nay, ông Điệp nhấn mạnh./.
Trần Miêu
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TÂM NGUYỆN CỦA NHỮNG “CHÀNG TRAI CẦU GIẼ” NĂM XƯA

    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, hình ảnh “chàng trai Cầu Giẽ” - những chiến sỹ quên mình ngày đêm...

Tôn vinh truyền thống dân tộc đề cao danh nhân, xây dựng tương lai Việt Nam mạnh giàu bản sắc

Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc, những danh nhân văn hóa luôn là những ngôi sao sáng, tỏa rạng ánh hào quang, soi...

CỤM DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ – KIẾN TRÚC QUÝ GIÁ LÀNG NGỌC THAN (XÃ NGỌC MỸ, HUYỆN QUỐC OAI, THÀNH PHỐ HÀ NỘI)

Ngọc Than là một làng Việt cổ có truyền thống văn hiến từ lâu đời. Tên Ngọc Than bắt nguồn từ hình ảnh “bút Ngọc - nghiên Than” gắn...

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Xuân Mai - Người bảo tồn, gìn giữ và phát huy làn điệu Hát ví cửa đình thôn Ngọc Than

Thôn Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai) là một làng Việt cổ của xứ Đoài thơ mộng. Đây là một làng văn hiến có truyền thống khoa...

Đông Cứu: Nơi khơi nguồn cảm hứng từ những sợi chỉ

Ở Hà Nội có một ngôi làng nức tiếng với nghề độc nhất vô nhị là “thêu áo cho vua” tại làng Đông Cứu (Thường Tín)....