Điện thoại:(024) 37823877 - 092.8846879

Văn hoá truyền thống

XUÂN YÊU THƯƠNG TỪ NHỊP ĐẬP SÀI GÒN

Thứ tư , 22/01/2025 | 00:30 GMT+7
  Những ngày giáp tết Ất Tỵ, giữa bộn bề lo toan “tết nhất”, chị Bùi Kiều Ly vẫn như con thoi đi về giữa thành phố Hồ Chí Minh với các điểm trao quà thiện nguyện. Hàng núi công việc có tên và không tên cho đích đến là những chuyến hàng bon bon về với đồng bào khó khăn nơi các vùng biên Tổ quốc.  
   
    Chị chân thành chia sẻ: Chương trình "Xuân biên giới 2025" kết thúc tốt đẹp với việc trao 500 suất quà tết cho bà con 3 xã biên giới Phú Nghĩa, Đăk Ơ, Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước). Tạm biệt bà con Bù Gia Mập, tuần sau chúng tôi có hẹn với 500 bà con xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng; tuần cuối của năm chúng tôi lại có hẹn với bà con Ninh Thuận.

                   
 Doanh Nhân Bùi Kiều Ly - Trưởng nhóm Thiện nguyện Chung nhịp đập Sài Gòn chăm sóc cháu bé trong một chuyến thiện nguyện vùng sâu vùng xa.
 
    Sức làm việc của chị quả khiến người ta thán phục. Đã từ rất lâu, từ khi “nhân duyên” gắn chị với công việc thiện nguyện, ngày làm việc của chị thường kết thúc lúc 3h sáng của ngày hôm sau. Dường như nguồn cảm hứng tích cực của những việc làm tử tế đã mang đến cho chị nguồn năng lượng mạnh mẽ, chảy dài với thời gian.
    Đến với công việc thiện nguyện xuất phát cái tâm, từ sự đồng cảm. Bởi vậy, từ khi còn trẻ chị Ly đã tình nguyện tham gia cứu trợ những hoàn cảnh có khó khăn, chia sẻ với người nghèo, chu cấp trẻ mồ côi,… Cho đến sau này, bằng sự chung tay của nhiều mạnh thường quân, chị đã tổ chức những chương trình lớn kết hợp với Bộ đội Biên phòng. Rồi càng đi càng thương cảm những mảnh đời khó khăn, chị càng tha thiết mong có điều kiện để giúp đỡ bà con. Công việc cứ thế cuốn chị đi, càng làm càng say mê, không thể rời bỏ được.

                   
Con trai DN. Bùi Kiều Ly (áo đen) từ hồi còn học tiểu học đã theo mẹ và gia đình cùng làm thiện nguyện giúp đỡ các hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoạn nạn
 
    Những chuyến hàng cứu trợ len lỏi giữa phố phường, cứu trợ đồng bào trong những ngày Sài Gòn ngập trong vòng vây của dịch bệnh Covid-19, rồi những xe hối hả đi miền Trung với tinh thần “cả nước vì đồng bào bị bão lũ miền Trung”, chị cùng các mạnh thường quân đã trao yêu thương bằng những gói quà thiết thực nhất, góp phần giúp bà con vượt qua đại dịch, vượt lên những mất mát thiếu thốn trong bão lũ; Hoặc thêm nữa là hàng nghìn chiếc bánh chưng nghĩa tình được gửi ra với bà con làng Nủ - Lào Cai, trong dịp bão kinh hoàng Yagi 2024... mãi mãi là những hình ảnh, là nỗi xót thương, ám ảnh khôn nguôi. Song cũng là động lực để chị và những người bạn đồng hành không tiếc công sức tiếp tục vận động, tổ chức những chuyến hàng nặng ân tình về với đồng bào khó khan trên mọi miền tổ quốc.
    Hội thiện nguyện “Chung một nhịp đập Sài Gòn” – của chị Bùi Kiều Ly và một số doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội mà trong đó chị đóng vai trò thành viên sáng lập được thành lập cũng chính là trên tinh thần tương thân tương ái, nhằm giúp đỡ những hộ gia đình nghèo, trẻ em ở vùng sâu vùng xa. Với khoảng 20 thành viên tham dự thường xuyên, năm nào Hội của chị cũng tổ chức hơn chục trương trình lớn nhỏ với số tiền lên đến hàng tỉ đồng vào những dịp tết đến xuân về cho đồng bào biên giới; hoặc các chương trình thiện nguyện lớn ở các địa phương khác nhau, ngoài ra hàng tháng còn có những chương trình thiện nguyện nhỏ khác.
    Trải qua hơn 5 năm hoạt động, Hội đã tổ chức được rất nhiều những chuyến đi thiện nguyện, trao tặng quà, thăm khám bệnh cho những hộ nghèo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa như Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận,…
    Chị bảo rằng, hạnh phúc của chị là có được nhân duyên làm việc thiện, may mắn của chị là có được sự tin tưởng, yêu thương của bạn bè, đồng hành của bạn bè. Chị cho biết, những người tham gia trong Hội chủ yếu là bác sĩ, dược sĩ, bộ đội, giáo viên và các doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, Hội sẽ phát triển mạnh hơn và sẽ thực hiện được nhiều hơn những chuyến thiện nguyện, giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương.
    Và còn một yếu tố rất quan trọng, rất đáng ghi nhận nữa là để làm được những việc làm ân nghĩa ấy một cách tập trung thiết thực và có chất lượng hiệu quả rõ rệt; mang đến với người nghèo bằng những giá trị đích thực, không hào nhoáng, không đánh bóng tên tuổi, chị Kiều Ly luôn thật sự mang ơn hậu phương lớn là gia đình của mình - một hậu phương bền vững tạo đường băng để chị cất cánh. Đó là bố mẹ đẻ và ngay cả con trai chị từ lúc cháu học tiểu học, trung học cơ sở rồi lên THPT cũng trực tiếp xắn tay thu nhận hàng, phân loại và đóng gói bốc xếp theo guồng máy “ăn đứng ăn ngồi” để mà làm việc thiện cùng chị. Cháu Bin con trai chị, cũng đã quen ngủ thiếu hơi ấm của mẹ khi chị mang hàng đi ủng hộ ở biên giới phía Bắc, Trung, Nam.
    Chị nói trong khóe mắt rưng rưng, đôi khi mình nghĩ cũng tội ông bà và con thơ của mình quá. Tuổi cao, bố mẹ đáng lẽ nghỉ hưu rồi phải được hưu thật sự an nhàn, nhưng nay cũng cứ lặn lội thức khuya dạy sớm; rồi cũng có bữa cơm muộn, cơm nguội bởi phải làm cho con gái, cho nhóm thiện nguyện này. Rồi nhà chị, căn hộ xinh xắn ấy, đáng lẽ là chốn đi về lý tưởng cho con mình nghỉ ngơi, ăn học, song vì việc thiện, nó đã được biến thành kho, dung chứa hàng chục, hàng chục lượt tấn hàng cho người nghèo, cho đồng bào bị bão lũ, bị dịch bệnh...Phải chăng, đó là sự hy sinh rất lớn mà chỉ có thể là Hội thiện nguyện Chung nhịp đập Sài Gòn của chị mới thấu hiểu, mới thầm phục.

                   
Nhóm thiện nguyện trao quà cho các em thiếu nhi nhân dịp 1/6
 
    Dường như thấu hiểu việc làm đầy tâm đức của chị, dù ở tuổi trên 70 bố chị - một CCB mẫu mực, và mẹ chị - người phụ nữ tảo tần đã không hề kêu ca phàn nàn. Ngược lại ông bà và cả em gái chị luôn động viên chị cùng con trai chị - cu Bin và bản thân chị hãy vững tâm mà bước trên con đường thiện nguyện đầy tính nhân văn ấy. Điều ấy giúp chị vui, bởi cả nhà cùng có tâm Thiện, biết vì mình, vì người mà chăm sóc cho nhau, vượt lên những khó khăn thiếu thốn, cả những nỗi buồn riêng có mà nghĩ đến cái chung. Ngay như cháu Bin, thường đã dành hàng chục triệu đồng từ tiền mình được lì xì, hoặc tiền ăn sáng để ủng hộ các bạn vùng xa nghèo khó.

                   
Các món quà của Nhóm trao tặng tới các em học sinh có hoàn cảnh nghèo khó
 
    Chị Kiều Ly kể rằng, vào những thập kỷ trước, chị còn là một mạnh thường quân được báo Dân trí, báo Tuổi trẻ thành phố HCM đến viết bài, nêu một tấm gương sâu nặng nghĩa tình, đền ơn đáp nghĩa với người có công. Chị luôn ủng hộ, giúp đỡ thân nhân các gia đình liệt sĩ ở ngay Tp. Hồ Chí Minh, và nhất là các gia đình từ Bắc vào Nam tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ để đưa về với quê hương. Giúp bằng cách đưa xe đón đưa; mời họ về nhà ăn nghỉ, thậm chí là cả những chi phí cần thiết trong cả giai đoạn mà các thân nhân này đi tìm và cất bốc được hài cốt liệt sĩ đưa về Bắc. Với chị, làm thiện nguyện, giúp được các thân nhân liệt sĩ tìm lại được hài cốt của người thân chính là những tháng ngày ý nghĩa nhất của cuộc đời mình.

                   
Nhóm Hội thiện nguyện Chung nhịp đập Sài Gòn
 
    Tết Nguyên Đán Ất Tỵ đã cận kề, người phụ nữ với nụ cười tươi tắn vẫn miệt mài với ánh đèn khuya sắp xếp, sắp đặt cho những chuyến hàng ngày mai hối hả về với đồng bào những mong kịp đón cái tết xum vầy thật tình nghĩa. Có thể nói, tình thương mến của chị Bùi Kiều Ly, của Hội thiện nguyện “Chung một nhịp đập Sài Gòn” là tình thương mến nghĩa đồng bào cao cả trong mạch nguồn đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt, con cháu Rồng Tiên.
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TẾT  YÊU THƯƠNG

Dù ở đâu, mỗi độ Tết đến, Xuân về luôn là dịp để những người đang đi xa nhớ về quê hương nguồn cội, nơi có ông bà, cha mẹ, nơi...

TÂM NGUYỆN CỦA NHỮNG “CHÀNG TRAI CẦU GIẼ” NĂM XƯA

    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, hình ảnh “chàng trai Cầu Giẽ” - những chiến sỹ quên mình ngày đêm...

Tôn vinh truyền thống dân tộc đề cao danh nhân, xây dựng tương lai Việt Nam mạnh giàu bản sắc

Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc, những danh nhân văn hóa luôn là những ngôi sao sáng, tỏa rạng ánh hào quang, soi...

CỤM DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ – KIẾN TRÚC QUÝ GIÁ LÀNG NGỌC THAN (XÃ NGỌC MỸ, HUYỆN QUỐC OAI, THÀNH PHỐ HÀ NỘI)

Ngọc Than là một làng Việt cổ có truyền thống văn hiến từ lâu đời. Tên Ngọc Than bắt nguồn từ hình ảnh “bút Ngọc - nghiên Than” gắn...

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Xuân Mai - Người bảo tồn, gìn giữ và phát huy làn điệu Hát ví cửa đình thôn Ngọc Than

Thôn Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai) là một làng Việt cổ của xứ Đoài thơ mộng. Đây là một làng văn hiến có truyền thống khoa...