Tinh hoa nghệ thuật Việt
Áo dài tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống Việt
Thứ hai ,
25/10/2021 |
22:50 GMT+7
Theo các nhà nghiên cứu, từ lâu, áo dài đã trở thành trang phục không thể thiếu đối với người phụ nữ Việt Nam.
Và thói quen mặc áo dài trong các dịp lễ, Tết, các sự kiện quan trọng như đám hỏi, đám cưới… đã được truyền giữ qua bao thế hệ phụ nữ Việt. Người phụ nữ Việt Nam đẹp dịu dàng, thiết tha trong tà áo dài đã trở thành hình ảnh thân thuộc. Đồng thời, trang phục áo dài còn theo người phụ nữ Việt Nam có mặt ở nhiều quốc gia. Đặc biệt, ở mọi cuộc thi sắc đẹp trên thế giới dù ở quy mô nào thì áo dài luôn được các người đẹp đến từ Việt Nam lựa chọn và trình diễn với sự tự hào dân tộc; đồng thời, cũng là sự khẳng định “chủ quyền văn hóa” của trang phục áo dài Việt Nam. Vì vậy có thể nói, phụ nữ Việt mặc áo dài trong các sự kiện của đời sống xã hội không đơn giản chỉ là vấn đề trang phục, mà đó còn là trách nhiệm công dân về ý thức dân tộc, là trách nhiệm của cá nhân trong giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Với mong muốn tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng và khơi dậy trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản văn hóa Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động "Tuần lễ Áo dài" từ ngày 1/3 đến ngày 8/3/2021 trên toàn quốc. Hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của đông đảo dư luận, nhất là cán bộ, hội viên phụ nữ trong cả nước.
Tại Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh tỉnh Hòa Bình, áo dài từ lâu đã trở thành trang phục quen thuộc, được nhiều nữ cán bộ, nhân viên yêu thích. Dịp ngày lễ, kỷ niệm nào, chị em cũng rủ nhau mặc áo dài, nhất là trong những hoạt động chung thì không thể thiếu áo dài. Nhân các dịp kỷ niệm hằng năm, các chị em thường rủ nhau đi may áo dài. Đôi khi, nhân dịp sinh nhật hay ngày kỷ niệm nào đó, chị em cũng lựa chọn món quà dành tặng nhau là những bộ áo dài. Do đó, hầu như mỗi người đều sở hữu cho riêng mình khá nhiều bộ áo dài. Chỉ riêng tập thể cơ quan phải có đến 2 - 3 bộ áo dài đồng phục.
Chị Nguyễn Thị Hoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Trưởng phòng Kế toán - Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh tỉnh Hòa Bình chia sẻ, bản thân tôi rất hào hứng với "Tuần lễ áo dài" vì mỗi khi mặc trang phục đặc biệt này, tôi thấy áo dài không chỉ giúp làm cho mỗi người phụ nữ trở nên duyên dáng, mềm mại hơn mà còn khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Cùng chung suy nghĩ này, chị Phạm Hà Thanh, giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết, không chỉ là trang phục truyền thống, áo dài còn chứa đựng những giá trị sâu sắc về thẩm mỹ, đạo đức. Đối với phụ nữ, áo dài là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng và nét duyên dáng, thanh lịch. Đồng thời, mặc trang phục áo dài vào những ngày đi làm cũng là dịp để mọi người hiểu hơn, thêm trân trọng trang phục truyền thống của dân tộc. Vì vậy, hưởng ứng "Tuần lễ Áo dài" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động cũng chính là đã góp phần khẳng định giá trị của áo dài trong đời sống xã hội; khơi dậy niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam, nâng cao ý thức giữ gìn nét đẹp truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc.
Công tác trong lực lượng vũ trang, trang phục bắt buộc phải mặc hằng ngày của bạn Nguyễn Việt Anh (trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng) đó là quân phục của ngành. Nhưng Việt Anh lại rất yêu tà áo dài và thường xuyên chọn mặc áo dài để chụp hình. Trao đổi những suy nghĩ của mình, Việt Anh cho biết, áo dài giúp người phụ nữ sẽ trở lên dịu dàng, e ấp, trang trọng và tinh tế. Áo dài còn tôn vẻ đẹp hình thể, đường cong, tôn dáng, cao thấp đều mặc được hết, khắc phục được những nhược điểm về hình thể... “Với mọi người phụ nữ, áo dài làm cho họ trở nên xinh đẹp, dịu dàng mềm mại hơn. Ngoài ra em còn thích mặc áo dài chụp ảnh là để lưu giữ lại những khoảnh khắc của tuổi thanh xuân; đồng thời, cũng góp phần giữ gìn trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Từng có nhiều năm công tác ở nước ngoài, anh Mai Văn Hưởng ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: Khi xa Tổ quốc, chỉ cần thoáng thấy hình ảnh người phụ nữ với tà áo dài là tôi có cảm giác rất đỗi gần gũi, thân quen bởi tà áo dài xuất hiện cùng chị em như là hiện thân của “tâm hồn quê hương” với tất cả niềm tự hào, hãnh diện về trang phục truyền thống của dân tộc.
Năm nay, "Tuần lễ Áo dài" do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp nên những hoạt động quy mô lớn, tập trung đông người sẽ không được tổ chức. Tuy nhiên, tại các địa phương, các ngành đã có nhiều hình thức vận động cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ, nữ công chức, viên chức, nữ thanh niên hưởng ứng sự kiện bằng các hoạt động thiết thực, cụ thể, phù hợp nhằm lan tỏa vẻ đẹp áo dài tại công sở, các khu dân cư..."Tuần lễ Áo dài" đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của phụ nữ cả nước. Đây thực sự là một sự kiện có ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp của áo dài với tư cách là một trang phục độc đáo của người phụ nữ Việt, gắn với bản sắc văn hóa truyền thống./.
Như Quỳnh
Bình luận
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
GẶP GỠ BÁO CHÍ RA MẮT DỰ ÁN ÂM NHẠC
Sáng ngày 02 tháng 12 năm 2024, tại Hội quán Trúc Lâm (Hà Nội) diễn ra buổi gặp gỡ báo chí về MV âm nhạc "Hiệu triệu" - Nơi...
ÁNH XUÂN DẬY MEN GỐM TÌNH NGƯỜI
Khi cành đào khoe sắc thắm dâng tràn một mùa xuân mới – Xuân Nhâm Dần 2022 cũng là năm anh Trần Văn Hợi ngấp nghé bước vào tuổi...
VĂN TỪ THƯỢNG PHÚC” NGÔI NHÀ TRÍ TUỆ CỦA HUYỆN THƯỜNG TÍN
Từ ngàn xưa, người dân huyện Thường Tín ( Phủ Thượng Phúc xưa) nổi tiếng là đất học, đất văn chương, đất khoa bảng, đất danh hương…
Sương Nguyệt Anh - nữ sỹ tài hoa và trí tuệ
Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê sinh ngày 1/2/1864, tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là con gái thứ tư của nhà thơ...
Hai vị vua tuổi Sửu trong lịch sử dân tộc
Trâu là con giáp đứng ở vị trí thứ 2 sau con Chuột.Người tuổi Sửu là người có tính cần mẫn chịu khó và có thể nói là...