Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Tinh hoa nghệ thuật Việt

Hai vị vua tuổi Sửu trong lịch sử dân tộc

Thứ hai , 25/10/2021 | 23:13 GMT+7
Trâu là con giáp đứng ở vị trí thứ 2 sau con Chuột.Người tuổi Sửu là người có tính cần mẫn chịu khó và có thể nói là hiền lành nhất trong 12 con giáp.
Tuy nhiên người tuổi Sửu luôn làm cho chúng ta phải ngạc nhiên vì những nội lực ẩn sâu trong con người họ.Họ chăm chỉ kiên trì thì không ai có thể sánh bằng nhưng cũng rất giỏi "ngụy trang" nhất trong số những con giáp. Trong lịch sử Việt Nam, có 2 vị vua kiệt xuất tuổi Sửu là Lê Đại Hành (Lê Hoàn) và Lê Thái Tổ (Lê Lợi) - những người đã sáng lập nên 2 vương triều là Tiền Lê và Hậu Lê. Cả 2 ông đều được ghi nhận là 1 trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.
Vua Lê Đại Hành
Lê Hoàn sinh năm Tân Sửu 941, quê quán chưa được xác định rõ ràng. Mồ côi từ nhỏ, ông được một vị quan là Lê Đột nhận về nuôi, lớn lên đi theo đội quân của Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn, lập được nhiều chiến công.
Sau khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi năm 968, Lê Hoàn được giao chức vụ tổng chỉ huy quân đội  nước Đại Cồ Việt, trực tiếp chỉ huy đội quân cấm vệ của triều đình Hoa Lư. Lúc đó ông mới 27 tuổi.
Năm 979, hai cha con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại, Lê Hoàn trở thành Nhiếp chính cho Vệ vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi vua. Tranh chấp quyền lực đã xảy ra giữa phe của Lê Hoàn và một số đại thần thân cận của Đinh Tiên Hoàng. Lê Hoàn đã giết chết các đối thủ và củng cố sự kiểm soát triều đình.

 

Thấy triều đình Hoa Lư rối ren, nhà Tống ý định cho quân tiến vào đánh chiếm Đại Cồ Việt, nhiều lần viết thư sang dụ và đe dọa triều Đinh bắt phải quy phục đầu hàng.
Trước tình hình đó, Thái hậu Dương Vân Nga cùng các tướng lĩnh và triều thần đã tôn Lê Hoàn lên làm vua. Lê Hoàn lên ngôi (sử thường gọi là Lê Đại Hành), lấy niên hiệu là Thiên Phúc.
Đầu năm 981, vua nhà Tống phát quân sang đánh Đại Cồ Việt. Lê Đại Hành đã lãnh đạo quân dân đánh bại quân Tống ở các trận Bạch Đằng, Tây Kết, giết và bắt sống nhiều tướng giặc chủ chốt, khiến quân Tống phải tháo chạy về nước.
Trong vòng 26 năm trị vì, Lê Đại Hành là người đặc biệt quan tâm đến vùng đất phía Nam. Ông đã tiến hành nhiều hoạt động quân sự lớn, đích thân cầm quân dẹp sự nổi dậy của các thế lực cát cứ và xâm lấn, không chỉ bảo vệ vững chắc biên giới, mà còn trực tiếp chuẩn bị cho quá trình Nam tiến của người Việt. Lê Đại Hành mất năm 1005, thọ 65 tuổi.
Vua Lê Đại Hành được sử sách ghi nhận là một nhà quân sự lỗi lạc, một chính trị gia khôn khéo với những sách lược phát triển đất nước một cách thông minh (khuyến khích nghề nông, cày ruộng tịch điền, đào kênh nhà Lê...)
Vua Lê Thái Tổ
Lê Lợi sinh năm Ất Sửu 1385 ở vùng đất Lam Sơn, Thanh Hóa, vào cuối đời nhà Trần - giai đoạn lịch sử rối ren của đất nước. Năm 1400, Hồ Quý Ly phế truất nhà Trần, tự lên làm vua lấy quốc hiệu là Đại Ngu, lập nên nhà Hồ. Năm 1407 nhà Hồ sụp đổ trước sự xâm lược của quân Minh, nước Việt một lần nữa nằm dưới sự đô hộ của phương Bắc.
Năm 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt, đồng chí hướng chính thức phất ngọn cờ khởi nghĩa Lam Sơn, kêu gọi dân Việt đồng lòng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược Minh cứu nước.
Trong những năm đầu tiên, cuộc khởi nghĩa gặp nhiều khó khăn, Lê Lợi và nghĩa quân thường phải lẩn trốn trong rừng núi. Năm 1424, khi quân lực được củng cố, Lê Lợi quyết định đưa quân vào đồng bằng Nghệ An. Sau nhiều trận thắng, đến cuối năm 1425, ông làm chủ toàn bộ đất đai từ Thanh Hóa trở vào, các thành của đối phương đều bị bao vây.
Từ tháng 8/1426, Lê Lợi cho quân tiến ra Bắc. Đội quân của ông thắng lớn ở Tốt Động, Chúc Động và vây hãm thành Đông Quan.

 

Cuối năm 1427, vua Minh điều một lực lượng viện binh lớn sang nước Việt. Lê Lợi chủ động đánh chặn các đạo quân này và giành thắng lợi lớn trong trận Chi Lăng - Xương Giang. Các cánh viện binh còn lại nghe tin, hoảng hốt rút về phương Bắc.
Sau thất bại này, quân Minh xin giảng hòa để rút quân. Lê Lợi muốn giữ hòa khí nên đồng ý để quân xâm lược về nước và sai Nguyễn Trãi thảo bài Bình Ngô đại cáo để báo cáo cho thiên hạ biết về việc đánh quân Minh.Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế năm 1428, tức là vua Lê Thái Tổ, chính thức dựng lên Vương triều Hậu Lê. Ông khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long và đổi tên Thăng Long thành Đông Kinh vào năm 1430. Lê Thái Tổ trị vì đất nước trong 5 năm (1428-1433) đã khắc phục được những hậu quả thời Minh thuộc, xây dựng lại đất nước, đặt cơ sở vững chắc cho nền độc lập, thống nhất đất nước. Vua băng hà năm 1433, hưởng dương 49 tuổi.
DUY BẢY
 
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

ÁNH XUÂN DẬY MEN GỐM TÌNH NGƯỜI

Khi cành đào khoe sắc thắm dâng tràn một mùa xuân mới – Xuân Nhâm Dần 2022 cũng là năm anh Trần Văn Hợi ngấp nghé bước vào tuổi...

VĂN TỪ THƯỢNG PHÚC” NGÔI NHÀ TRÍ TUỆ CỦA HUYỆN THƯỜNG TÍN

Từ ngàn xưa, người dân huyện Thường Tín ( Phủ Thượng Phúc xưa) nổi tiếng là đất học, đất văn chương, đất khoa bảng, đất danh hương…

Sương Nguyệt Anh - nữ sỹ tài hoa và trí tuệ

Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê sinh ngày 1/2/1864, tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là con gái thứ tư của nhà thơ...

CHÚNG TÔI LÀM BÁO Ở CHIẾN TRƯỜNG MIỀN TÂY NAM BỘ

Kỷ niệm 96 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2021)  

Bảo vật Quốc gia nơi đất Tổ

Theo truyền thuyết, mẹ Âu Cơ sinh ra dân tộc Việt Nam trong một bọc trăm trứng đã trở thành bất hủ trong tư tưởng, tình cảm và tâm trí của các...