Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Tinh hoa nghệ thuật Việt

CHÚNG TÔI LÀM BÁO Ở CHIẾN TRƯỜNG MIỀN TÂY NAM BỘ

Thứ hai , 25/10/2021 | 23:09 GMT+7
Kỷ niệm 96 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2021)  
Đầu năm 1969, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 (Quân giải phóng Đông Nam bộ) được điều về tăng cường cho Quân khu Tây Nam bộ (nay là Quân khu 9). Khi đó, là phóng viên Báo “Quân giải phóng miền Nam”, tôi được phân công đi theo đơn vị về đồng bằng. Nhận nhiệm vụ, tôi rất hào hứng về chuyến đi này vì bản thân vốn là chiến sỹ của trung đoàn trước đó. Hơn nữa, tôi rất muốn biết vùng đồng bằng Nam Bộ như thế nào.
Thời tiết Nam bộ bắt đầu vào mùa mưa nên đơn vị di cuyển gặp rất nhiều khó khăn. Phải mất tới hơn 5 tháng (xuất phát từ Bến Tháp – nơi thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông tỉnh Tây Ninh), đơn vị mới về đến vùng giải phóng ven rừng U Minh Thượng thuộc huyện Vĩnh Thuận tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang).
Về đến Vĩnh Thuận được hơn hai tháng thì một hôm anh Năm Thông – Trung đoàn trưởng kêu tôi lên gặp. Anh thông báo: “Báo quân giải phóng Tây Nam bộ” đề nghị xin cậu về báo này; Lãnh đạo báo “Quân giải phóng miền Nam” đã đồng ý. Hôm nay, anh Ba Thành – phóng viên báo quân khu về trung đoàn đón cậu đó.
Tôi rất bất ngờ về sự việc này, song vì nhiệm vụ tôi buộc phải bịn rịn chia tay các anh chỉ huy trung đoàn, theo anh Ba Thành về báo của quân khu.
Toà soạn “Báo Quân giải phóng Tây Nam bộ” lúc đó đóng tại ngọn kênh Kim Quy thuộc xã Khánh Vân huyện An Biên. Đó là một cái chòi lớn được dựng dưới những tán dừa lão trong vườn Má Tư. Trong chòi là một chiếc hầm lớn đắp nổi, xung quanh có nhiều cộng sự chiến đấu.
Lúc đó, ngoài anh Ba Thành, anh Bảy Viện và thêm tôi là người miền Bắc, còn lại các anh Hai Dũng (thư ký toà soạn), Bảy Viễn, Chín Thành, Ba Thu Sơn, Tư Quyết Tâm, Tư Trường Giang và hoạ sỹ Mười Giang đều là người Nam bộ. Lúc đó, tôi mới hơn hai mươi tuổi, thuộc diện ít tuổi nhất toà soạn nên các anh rất yêu mến. Các anh hướng dẫn tôi bơi, chèo xuồng, cách cắm câu, quăng chài, thả lưới, cách phát cỏ cấy lúa và đặc biệt là phong cách làm báo ở vùng sông nước Nam bộ.
Hồi đó, phóng viên ít khi ở toà soạn, phần lớn thời gian nằm ở các đơn vị và địa phương. Mỗi lần xuống đơn vị, chúng tôi thường đi từng cặp với nhau. Tôi và Tư Hải thường đi xuống Trung đoàn 1 (U Minh), Trung đoàn 2; Anh Bà Thành và Tư Trường Giang thường đi Trung đoàn 10, Trung đoàn 20; Anh Ba Thu Sơn, anh Bảy Viễn thường đi Trung đoàn 6 (hoạt động tại vùng Trà Vinh) và Trung đoàn 6 pháo binh… Xuống đơn vị, chúng tôi thực sự là chiến đấu viên. Đơn vị chống càn, chúng tôi cùng chiến đấu chống càn. Bộ đội tập kích, đánh đồn, chúng tôi vào đồn địch. Hai anh Nguyễn Thương và Sáu Biên đều hi sinh khi chống càn ở kênh Năm Đất Sét (An Biên). Còn nhớ tháng 10 năm 1971, để chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô, tôi và Tư Hải xuống Trung đoàn 2. Vừa xuống đơn vị tối hôm trước, sáng hôm sau B52 rải thảm vào đúng đội hình của trung đoàn. Nhiều cán bộ, chiến sỹ thương vong. Tôi bị bùn đất vui chỉ còn hở cái đầu. Rất may là chiến sỹ của đại đội đã bới đất cứu sống tôi. Tư Hải lúc đó bình an nhưng đến chiều chống càn thì bị thương nát bàn tay bên phải. Cả hai chúng tôi đã đưa về đội phẫu của trung đoàn cứu chữa.
          Những bài viết không đòi hỏi cấp bách về tính thời sự như “gương chiến đấu dũng cảm”, “công tác dân vận trong vùng địch tạm chiếm”, “chuyện hậu phương”, “sổ tay công tác vận binh”, “công tác hậu cần”,… thì chúng tôi gửi theo đường giao liên về toà soạn. Những trận đánh lớn giành thắng lợi phải viết ở dạng tường thuật, ghi nhanh hoặc bình luận thì chúng tôi đưa cho chỉ huy đơn vị xem, rồi nhờ các anh dùng điện đài chuyển về quân khu sớm để xử lý.
          Thời kỳ đó báo nằm trong phòng tuyên huấn, Tổng biên tập là đồng chí trưởng phòng, nên khi nhận được tin bài, anh Hai Dũng (Thư ký toà soạn) thường mời cán bộ trong phòng tuyên huấn đến đóng góp ý kiến, thông qua từng bài một để bảo đảm bí mật cũng như cách đánh của ta. Khi đã được kiểm duyệt xong, anh Hai Dũng sắp xếp trang báo, cùng anh Mười Giang (hoạ sỹ) vẽ minh hoạ, rồi khắc gỗ. Thời kỳ đó, toà soạn không có nổi cái máy đánh chữ; máy ảnh thì có nhưng không chế bản ảnh để in báo được. Do vậy, sau khi sắp xếp bài vở cho một số báo là đem bản thảo và miếng gỗ đã khắc đưa đi nhà in.
          Hồi đó, nhà in của quân khu đóng ở Mong Chim (Cà Mau), cách toà soạn chừng 6 tiếng chèo xuồng. Mỗi lần đưa bản thảo đi nhà in hoặc lấy báo về đều rất căng thẳng và đâỳ thách thức vì phải qua bốn đồn địch. Còn nhớ, một lần tôi và anh Chín Thành đi lấy báo ở nhà in. Hai anh em thay nhau chèo xuồng suốt dêm trong màn mưa mù mịt. Về gần dến vàm kênh Kim Quy thì trời sắp sáng. Thấy một bóng người trùm áo mưa ngồi ở bờ kênh phía trước, chúng tôi nghĩ là dân đi cắm câu nên anh 9 Thành hỏi: “Anh Hai ơi, phía trước có êm không?”. Bóng người phía trước đứng bật dậy, xả một loạt đạn về phía chúng tôi. Hai anh em nhảy ào xuống nước, ép sát bờ kênh tránh đạn. Rất may tên lính hốt hoảng bắn bừa đi, nếu không chúng tôi khó mà thoát được.
          Báo vẫn ra đều một tháng hai kỳ, mỗi số 4 trang. Báo được gửi theo đường giao liên của quân khu đến các đơn vị. Có những số bảo phải hàng tháng sau mới tới tay người đọc vì đơn vị di chuyển liên tục hoặc địch phục kích dọc đường giao liên không thể đi được. Thời kỳ đó, phương tiện thông tin rất ít, nên tờ báo trở thành món ăn tinh thần gần như duy nhất của cán bộ, chiến sỹ ở các đơn vị trong quân khu. Những gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm hoặc “chuyện hậu phương của người lính”, hay mục “tâm sự của chiến sỹ trẻ” luôn được bộ đội truyền tay nhau đọc.
          Ở kênh Kim Quy, trong năm 1971, địch đã bốn lần càn vào toà soạn. Lần nào cũng vậy, chúng đều đốt phá tan hoang nhà cửa, lán trại và lần nào cũng có năm, bảy tên bỏ mạng vì vướng phải lựu đạn gài của chúng tôi.
          Mùa khô năm 1972, tình hình chiến sự đã bớt căng thẳng. Vùng giải phóng ở miền Tây Nam bộ được mở rộng nối liền từ rừng U Minh Thượng lên đến sát lộ Vòng Cung ngoại ô thành phố Cần Thơ. Khi đó, toà soạn được lệnh di chuyển lên khu vực đê thuộc xã Minh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Rạch Giá) phía đông bắc rừng U Minh Thượng. Xưởng in của quân khu cũng lên theo, cách toà soạn chừng hai km. Đây là vùng đất thấp thuộc loại rừng tràm ngập nước. Về mùa mưa nước ngập sâu hàng mét. Chúng tôi phải đào đất đắp lên thành ụ rồi cất chòi trên đó. Nối giữa các chòi với nhau và nối với nhà bếp là những chiếc cầu ghép bằng những cây tràm. Hàng ngày, trừ những người đi với đơn vị, ai ở nhà là lo phát ruộng cấy lúa, giăng lưới cắm câu kiếm cá rồi nhờ cơ sở đem ra thị trấn bán, lấy tiền mua gạo và những nhu yếu phẩm cần thiết. Đêm đến, ai cũng chui vào màn làm bạn với chiếc đèn dầu tự chế để viết bài. Vì muỗi ở từng U Minh nhiều như trấu vãi, nên không có màn là không yên.
          Ở nơi mới này, cá nhiều vô kể. Buổi tối, chỉ cần thả hơn hai chục lưỡi câu là sáng ra bắt về hàng yến cá lóc. Chúng tôi còn nuôi cả lợn và vịt. Đàn vịt nuôi nhiều con lông trắng, chúng tôi phải lấy nhọ nồi trộn với dầu nhớt quét lên, đề phòng máy bay trực thăng của địch phát hiện.
          Giữa năm 1973, anh Chín Thành được điều về phục trách đoàn văn công Quân khu. Anh Ba Sơn, anh Bảy Viễn về phòng tuyên huấn. Tư Tâm về ban Chính trị Trung đoàn 1. Bù lại, toà soạn được tăng cường thêm các anh: Phan Nguyên Hồng, Công Ngọc Hồi, Nguyễn Văn Lan (Hoạ sỹ). Các anh đều là thương binh ở các đơn vị được điều về.
          Báo vẫn ra đều nhưng tăng kỳ từ hai lên ba số một tháng. Anh, em phóng viên vẫn thay nhau đi cơ sở để kịp thời phản ánh tình hình. Trong hai năm 1974-1975, nhiều bài báo của anh Lê Thế Thành, của Việt Hải, Trường Giang và của tôi đã được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam góp phần cổ vũ, động viên quân và dân cả nước dốc sức cho ngày toàn thắng.
          Trưa ngày 30 tháng 4, đội ngũ phóng viên của quân khu đi theo các đơn vị tiến vào giải phóng thành phố Cần Thơ – nơi đặt cơ quan đầu não của quân đoàn 4, vùng bốn chiến thuật của chính quyền Sài Gòn. Sau mấy tháng xa nhau, chúng tôi ôm chầm lấy nhau hân hoan trong niềm vui tột cùng của ngày toàn thắng.
          Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30.4.1975), đội ngũ những người làm báo “quân giải phóng Tây Nam bộ” đến nay đều ở tuổi 75, 80. Các anh như Chín Thành, Bảy Viễn, Ba Thu Sơn, Mười Giang, Tư Tâm và mới đây là Tư Hồng đã lần lượt qua đời vì tuổi già sức yếu hoặc do vết thương tái phát.
          Viết những dòng này, tôi lại nôn nao nhớ về các anh – những nhà báo chiến sỹ, những nhân chứng lịch sử; Nhớ một thời đạn bom khốc liệt, gian khổ và thiếu thốn, nhưng chúng tôi luôn yêu thương nhau, gắn bó máu thịt với nhau, cùng nhau cống hiến một phần xương máu và trí tuệ vào thắng lợi cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc./.
Tháng 6 năm 2021
Bùi Anh Đức
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

ÁNH XUÂN DẬY MEN GỐM TÌNH NGƯỜI

Khi cành đào khoe sắc thắm dâng tràn một mùa xuân mới – Xuân Nhâm Dần 2022 cũng là năm anh Trần Văn Hợi ngấp nghé bước vào tuổi...

VĂN TỪ THƯỢNG PHÚC” NGÔI NHÀ TRÍ TUỆ CỦA HUYỆN THƯỜNG TÍN

Từ ngàn xưa, người dân huyện Thường Tín ( Phủ Thượng Phúc xưa) nổi tiếng là đất học, đất văn chương, đất khoa bảng, đất danh hương…

Sương Nguyệt Anh - nữ sỹ tài hoa và trí tuệ

Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê sinh ngày 1/2/1864, tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là con gái thứ tư của nhà thơ...

Hai vị vua tuổi Sửu trong lịch sử dân tộc

Trâu là con giáp đứng ở vị trí thứ 2 sau con Chuột.Người tuổi Sửu là người có tính cần mẫn chịu khó và có thể nói là...

Bảo vật Quốc gia nơi đất Tổ

Theo truyền thuyết, mẹ Âu Cơ sinh ra dân tộc Việt Nam trong một bọc trăm trứng đã trở thành bất hủ trong tư tưởng, tình cảm và tâm trí của các...