Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Chính sách - pháp luật

“ Công nghiệp văn hóa ” khâu đột phá trong phát triển văn hóa hiện nay

Thứ ba , 17/05/2022 | 14:19 GMT+7
“Khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới vào nên văn hóa giàu bản sắc của dân tộc”.
     Khai thác giá trị kinh tế của văn hóa để văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước là chủ trương xuyên suốt của Đảng qua nhiều kỳ đại hội. Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới vào nên văn hóa giàu bản sắc của dân tộc”.
     Từ đầu những năm 2000, coi trọng yếu tố sáng tạo, phát triển nguồn lực con người là một bài toán lớn cho sự phát triển của một quốc gia và là một xu thế được áp dụng phổ biến trên thế giới. Các ngành kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa, sáng tạo văn hóa đã và đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế thế giới. Văn hóa nhờ đó được quan tâm nhiều hơn khi chính là  tác nhân trực tiếp kích thích sự hình thành và tạo ra giá trị cho sáng tạo. Các ngành công nghiệp văn hóa đã trở thành một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản hay Hàn Quốc… Công nghiệp văn hóa bao gồm các lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, tiềm năng văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Trong thực tế, Việt Nam được đánh giá khá cao trong một số bảng xếp hạng quốc tế như kỳ thi PISA về năng lực Toán học, Đọc hiểu và Khoa học… Nhiều trung tâm, không gian sáng tạo đã có những bước phát triển mới, mang tính đột phá. Một không gian sáng tạo, làm việc và kết nối những con người nhiệt huyết với những giấc mơ, khát vọng phát triển văn hóa dân tộc mang yếu tố quốc tế và được mọi người biết đến. 
    Đối với tiềm năng văn hóa, chúng ta tự hào là mảnh đất giàu truyền thống và đa dạng văn hóa. Đất nước chúng ta tự hào khi có 54 dân tộc anh em cùng bề dày lịch sử văn hóa hàng nghìn năm để tạo ra một kho tàng vô giá về di tích, nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian, thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, truyền thuyết, hình tượng anh hùng... Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, dù chúng ta có những nỗ lực và thành công nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được với kỳ vọng của những người yêu mến văn hóa, nghệ thuật, cũng như khát khao khai thác giá trị văn hóa cho sự phát triển bền vững. Những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam có thể chinh phục khán giả thế giới còn chưa nhiều, các ngành công nghiệp văn hóa chưa được khai thác hiệu quả, xứng tầm với lợi thế của bề dày văn hóa dân tộc, tài năng của con người Việt Nam. Vì vậy để phát triển ngành công nghiệp văn hóa xứng tầm với lợi thế của đất nước thì chúng ta cần triển khai ba nội dung chính:
         Thứ nhất là nhận thức của chúng ta về các ngành công nghiệp văn hóa.
    Thời gian qua, nhận thức đối với ngành công nghiệp văn hóa đã có nhiều thay đổi cơ bản. Chúng ta đang thấy những lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc... là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã thấm sâu vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, thì văn hóa, nghệ thuật vẫn còn khá rụt rè trong việc khẳng định giá trị hàng hóa của mình. Có những bộ phim, sự kiện văn hóa khi công chiếu đã đem lại một nguồn thu kinh tế khổng lồ, có những sản phẩm được bán ra tại thị trường quốc tế và được công chúng quốc tế yêu thích và mua bản quyền. Chúng ta cần khẳng định sản phẩm văn hóa, nghệ thuật cũng là sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, khi khẳng định tính chất hàng hóa của sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, chúng ta mới chú ý nhiều hơn đến thị trường, phát triển khán giả, bản quyền, kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu của sản phẩm văn hóa đó. Khi chúng ta xác định vấn đề đặc biệt của sản phẩm văn hóa nghệ thuật, chúng ta mới thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa vì sự phát triển bền vững, tạo nên niềm tự hào dân tộc và giúp khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh. 
       Thứ hai là chúng ta đang thiếu sự phối hợp trong phát triển công nghiệp văn hóa.
     Đến thời điểm này, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn gặp khó khăn vì chưa thật sự có đầu mối đủ mạnh để định hướng sự phát triển này. Trong 12 ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ quản lý năm ngành gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa. Điện ảnh thì có thể tạo ra sự hấp dẫn cho du lịch văn hóa, tạo điều kiện phát triển thời trang, ẩm thực. Du lịch văn hóa lại giúp phát triển các lĩnh vực khác trong xã hội. Vì thế, việc thiếu đầu mối đủ tầm và phối hợp giữa các ngành với nhau khiến việc phát triển công nghiệp văn hóa gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bên cũng chịu nhiều cản trở, trong đó có cả việc thiếu niềm tin lẫn nhau và sự hỗ trợ chính sách của Nhà nước. Những mô hình đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đa phần là tự phát, đến từ niềm đam mê của các cá nhân yêu thích sáng tạo, mong muốn tìm ra điều mới mẻ cho cuộc sống và công việc kinh doanh. Nhưng bầu nhiệt huyết của họ sẽ gặp khó khăn khi thiếu đi sự hỗ trợ từ chính quyền hay của chính các doanh nghiệp tương tự trong mạng lưới sáng tạo. 
        Thứ ba là giáo dục sáng tạo và kỹ năng kinh doanh.
    Dù có nhiều cải tiến, thay đổi theo hướng hỗ trợ cho người làm, người sản xuất, thực hành sáng tạo nhưng vì nhiều lý do, đặc biệt là khối lượng kiến thức cần học quá lớn, khiến cho các môn học liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật chưa được coi trọng đúng mức. Trong khi đó, các môn học về nghệ thuật chẳng hạn, giúp người học rất nhiều trong việc hoàn thiện nhân cách, các kỹ năng mềm, và nhất là tinh thần sáng tạo. Tài năng nghệ thuật mới chỉ là yếu tố cần và phải có thêm kiến thức, hiểu biết về kỹ năng kinh doanh để tạo nên sự thành công của một sản phẩm văn hóa. Việc học có thể rất quan trọng, nhưng việc xây dựng thương hiệu cho bản thân, tác phẩm của chính mình và giao tiếp tốt với khách hàng cũng quan trọng không kém trong việc quảng bá hình ảnh sản phẩm của chính mình tạo ra. Đó chính là lý do tại sao các môn học về marketing nghệ thuật, kỹ năng kinh doanh, quan hệ công chúng lại nên được xem là những môn học chính ở các trường nghệ thuật. 
     Để mong muốn ngành công nghiệp văn hóa trở thành một xu thế quan trọng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Chính sách đầu tiên nên đến từ việc huy động sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp, trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Hợp tác quốc tế là một hình thức nên được triển khai rộng rãi hơn nữa để thúc đẩy sự tham gia này. Bên cạnh đó, điều quan trọng để tạo ra các chính sách thu hút đầu tư chính là việc chúng ta cần phải coi đầu tư vào văn hóa là đầu tư phát triển, không phải là lĩnh vực tiêu tiền, mà thậm chí đem lại nhiều tiền cho đất nước. Chỉ từ nhận thức như vậy, chúng ta mới hình thành được một nền công nghiệp văn hóa vững chắc, nền móng cho những yếu tố khác trong phát triển đất nước.     
Ngọc Tiến
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn Quận Ba Đình

  Công an quận Ba Đình đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền phát động phong trào thi đua tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng vũ...

NGƯỜI DÂN TỰ GIÁC THÁO DỠ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÁI PHÉP

Thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn cả nước diễn biến phức tạp. Không ít công trình vi phạm TTXD đã bị...

KHÁCH HÀNG TÁ HỎA VÌ 2 TỈ ĐỒNG BẤT NGỜ

 Ngày 7/4/2022, ông Nguyễn Thanh Xuân tá hỏa khi nhận được tin nhắn thông báo đã rút thành công 2 tỉ đồng từ trong tài khoản mình...

Ca dao và câu ca dao nổi tiếng của nhà thơ Thanh Tịnh

Nhiều năm qua, trong văn học, báo chí ở nước gần như quên lãng một thể loại xung kích, rất hiệu quả trong công tác tuyên truyền, cổ vũ phong trào...

Dân chủ và Kỷ cương - Nhìn từ đại dịch Covid-19

Covid-19 xuất hiện và tồn tại đến nay đã hơn một năm rưỡi và chắc chắn sẽ còn tồn tại trong một khoảng thời gian không ngắn. Sức tàn phá khủng...