Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Văn hoá phát triển

DI SẢN VĂN HOÁ HÁT TRỐNG QUÂN

Thứ năm , 12/05/2022 | 13:26 GMT+7
Cùng với nhiều di sản văn hóa truyền thống, hát trống quân là một loại hình văn nghệ dân gian khá phổ biến tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Tại nhiều làng quê, hát trống quân từng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân, thông qua những câu hát giao duyên, người hát cùng nhau kết nối tâm tình, xua tan những nhọc nhằn, lo âu trong đời sống...  
       Hành trình “giữ lửa” Trống quân:
Thôn Phúc Lâm xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội cũng là nơi còn lưu giữ nhiều điệu hát trống quân độc đáo với những đặc trưng riêng. Mặc dù từng trải qua nhiều thăng trầm và có những lúc tưởng chừng như đã mất hẳn, song nhờ quyết tâm của những người con quê hương say mê làn điệu trống quân - di sản này đã phần nào được phục dựng và duy trì hiệu quả.
    Thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến nằm ven con sông Lương, sông Nhuệ, nơi nổi tiếng với hát trống quân cửa đình, cùng những màn đối đáp thông minh, dí dỏm. Điểm độc đáo của hát trống quân Phúc Lâm là không theo lối hát đuổi, trong lời hát luôn có chữ “thời” và ăn vào nhịp trống rất êm. Người Phúc Lâm hoà ái, ân tình. Họ biết hát cả trống quân cửa đình và trống quân giao duyên. Theo Nghệ nhân Ưu tú Kiều Thị Chải, trước kia hát trống quân thường được sử dụng trong dịp làng mở hội (ở đình); hoặc trong những đêm trăng sáng mùa hè; hoặc thường hát ở các bãi đất rộng ngoài đồng, dưới các bóng cây hoặc thậm chí các tốp cấy, tốp gặt đứng gần nhau là có thể hát. Trước đây, làng Phúc Lâm cổ có ba xóm thì xóm nào cũng có đội hát. Hàng năm, cứ đến ngày hội làng (10/3 âm lịch), giỗ Mẫu (ngày 9/8 âm lịch) và Tết Nguyên đán, làng thường tổ chức thi hát trống quân ở sân đình. Tuy nhiên, không cứ ngày lễ, mà cả những ngày thường nhật, những khi trăng thanh gió mát, trai gái trong làng vẫn tụ tập nhau hát giao duyên, hát đố, tạo nên bầu không khí rất sôi nổi. Sau này, do ảnh hưởng của chiến tranh, loạn lạc, tiếng hát trống quân cũng dần dần thưa vắng. Lớp người biết hát trong làng tuổi ngày một cao, thiếu lớp kế cận, do đó, điệu hát chỉ được cất lên như một hình thức diễn xướng trong những ngày lễ hội.
     Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát trống quân, ngay từ khi còn nhỏ, bà Kiều Thị Mách (sinh năm 1956) đã được bà nội cùng mẹ đẻ là NNUT Kiều Thị Chải truyền dạy cho những lời hát cổ. Thấm nhuần những giá trị tri thức dân gian mà cha ông để lại; trăn trở về việc bảo tồn và tìm hướng vực dậy sức sống cho điệu hát cổ của quê hương, được sự hỗ trợ tích cực của chồng và các con, bà Mách quyết tâm khôi phục, đưa hát trống quân trở lại với đời sống của người dân Phúc Lâm.

     Những ngày đầu khó khăn vất vả, bà cùng chồng - ông Chén; mẹ đẻ của mình – cụ Chải và cụ Đào Thị Chăn, cụ Đào Thị Đặc, cùng bà Tá, bà Loan (đều thuộc xóm 3)… phải đến từng nhà, thuyết phục từng người quay lại sinh hoạt văn nghệ. Bà Mách cùng bà Loan sưu tầm từng lời ca từ những bậc cao niên còn nhớ lõm bõm câu được, câu mất, rồi ghi chép lại làm tài liệu sáng tác, luyện tập.
 
                
Một buổi tập hát trống quân
 
     Nhớ lại những gì bà nội cùng mẹ kể lại khi tổ chức hát vào những năm trước 1950, bà Mách đã dàn dựng một không gian diễn xướng vừa mang nét cổ, vừa mang tính sinh hoạt văn nghệ thời nay được người dân trong làng, xã khen ngợi, hưởng ứng. Kinh phí không có, gia đình bà Mách cùng một số anh chị em yêu văn nghệ tự đóng góp để mua sắm vật dụng, trang phục biểu diễn. Khó khăn là vậy nhưng đội hát trống quân vẫn không quản vất vả, tâm huyết gây dựng phong trào. Tất cả cùng chung một mong muốn đưa hát trống quân trở lại với cộng đồng, tránh nguy cơ mai một điệu hát cổ của quê hương. Và rồi những nỗ lực ấy cũng được đền đáp. Năm 2017, lần đầu tiên huyện Phú Xuyên tổ chức Liên hoan dân ca, Trống quân Phúc Lâm dù lần đầu “xuất quân” tham dự, nhưng đã giành giải cao – giải đặc biệt, đánh dấu sự trở lại của hát trống quân Phúc Lâm trước công chúng. Suốt những năm sau đó, đội hát trống quân Phúc Lâm vẫn hoạt động bền bỉ, tham gia biểu diễn tại nhiều kỳ cuộc liên hoan, thi hát… với số lượng thành viên cũng ngày một tăng, công tác tổ chức cũng chuyên nghiệp và bài bản hơn trước.
      May mắn, năm 2014, GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã về Phúc Lâm nghiên cứu và giúp đội đề xuất với chính quyền xã thành lập Câu lạc bộ hát trống quân. Khi ấy, GS, TSKH Tô Ngọc Thanh đã nhận định hát trống quân cửa đình là một di sản văn hóa phi vật thể rất có giá trị và cần được bảo tồn. Lúc này, cùng với ba cụ cao niên đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, vợ chồng bà Mách - ông Chén và một số anh chị em yêu trống quân đã tự chủ sáng tác và tổ chức sinh hoạt thường kỳ vào các ngày rằm hàng tháng. Đây chính là cơ sở ban đầu tiến tới việc thành lập Câu lạc bộ. Năm 2016, UBND xã Phúc Tiến đã ra quyết định thành lập Câu lạc bộ hát trống quân xã Phúc Lâm, với 20 thành viên, do bà Kiều Thị Mách làm chủ nhiệm.
      Từ đây, các “nghệ sĩ nông dân” ngày làm đồng, tối ra đình sinh hoạt, tập luyện. Nhờ vậy hát trống quân ngày càng gần gũi hơn với công chúng. Hơn 20 năm (từ 1997) khôi phục hát Trống quân, từ thuở chỉ là một đội với 4-5 thành viên, qua truyền dạy, kèm cặp phát triển, đến nay, đội hát đã trở thành một CLB khá chuyên nghiệp với 29 thành viên, gồm 4 thế hệ: cao niên, trung niên, thanh niên, thiếu niên. Trong đó, nghệ nhân cao tuổi nhất năm nay đã 90 tuổi (cụ NNUT Kiều Thị Chải), thành viên nhỏ nhất năm nay mới bước sang tuổi thứ 8.
                 Và khát vọng đưa di sản về đúng vị trí, giá trị vốn có
     Vinh dự, năm 2019, ba thành viên của CLB hát trống quân Phúc Lâm được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Năm 2021 có thêm ba thành viên của CLB đã hoàn tất hồ sơ đề nghị phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, đang chờ Quyết định của Chủ tịch nước. Vừa qua, Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VHNTQG) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long (NCVH) có dịp về khảo sát nghệ thuật hát trống quân tại thôn Phúc Lâm. Đánh giá cao việc khôi phục, bảo tồn và trao truyền di sản văn hóa tại địa phương, đoàn công tác nhận định, hát trống quân Phúc Lâm xứng đáng là ứng viên sáng giá để đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
      Theo Giáo sư, TS.Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện VHNTQG Việt Nam – Phó Viện trưởng Viện NCVH Thăng Long: “Di sản hát trống quân của Phúc Lâm đã tồn tại qua nhiều thế hệ, có nét đặc trưng riêng, có không gian diễn xướng văn hóa. Đồng thời hội tụ rất nhiều những tri thức dân gian, có sức hút trong đời sống nhân dân. Đây là một điều rất đáng quý đối với một di sản văn hóa đã có tuổi đời hàng trăm năm, rất đáng được ghi nhận...”. Cũng từ việc khảo sát ban đầu này, PGS.TS Phạm Lan Oanh – Phó Viện trưởng Viện VHNTQG Việt Nam cho rằng: Với kinh nghiệm từng viết đề tài, hoàn thiện hồ sơ dự án hàng trăm di sản văn hoá quốc gia của Viện, tôi thấy rằng hát trống quân Phúc Lâm đã hội đủ các điều kiện để đề xuất Bộ công nhận là một di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Nếu hát trống quân Phúc Lâm trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các chính sách đãi ngộ dành cho nghệ nhân và hoạt động bảo tồn di sản hát trống quân cũng được đầu tư, chú trọng hơn. Đây là nguồn hỗ trợ giúp hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đi vào chiều sâu, chất lượng, bảo đảm quyền lợi cho các nghệ nhân đã và đang thực hành loại hình nghệ thuật dân gian, thể hiện sự trân trọng với những “báu vật sống” của dân tộc.
 
             
Các nghệ nhân trong một buổi họp CLB
     
Hát trống quân Phúc Lâm trải qua biết bao thăng trầm, giờ đây đã có chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng, được người dân Thủ đô trân trọng, giữ gìn. Đây là loại hình nghệ thuật độc đáo, phong phú, hấp dẫn của nghệ thuật dân gian, vừa mang đậm nét dân dã, mộc mạc của làn điệu, của âm nhạc, lại vừa thể hiện sự trí tuệ, tài hoa, linh hoạt trong sử dụng ngôn từ, câu chữ đã được giới chuyên môn công nhận. Hi vọng trong thời gian tới, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng về hoạt động quản lý, nghiên cứu văn hóa, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, hát trống quân Phúc Lâm – Phú Xuyên sớm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đưa di sản về đúng vị trí, giá trị vốn có.
Trần Miêu
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

NGHỀ TRỒNG NGƯỜI

Ngày 20/11 hàng năm là ngày lễ hội của ngành Giáo dục và là Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày "tôn sư trọng đạo"...

NGÔI TRƯỜNG MANG TÊN TRẠNG NGUYÊN TRẦN TẤT VĂN: Nơi vun trồng, chăm sóc và nuôi dưỡng ước mơ xanh

     Nơi ươm mầm và nuôi dưỡng ước mơ xanh     Trường THPT Trần Tất Văn là một trong những ngôi trường có truyền thống chất lượng của...

TÌNH QUÊ.

Giới thiệu bài thơ TÌNH QUÊ của tác giả Hoàng Đình Tấn nói về tình làng nghĩa xóm, tình yêu quê hương của người con...

VƯỜN THU

Xin giới thiệu bài thơ VƯỜN THU của tác giả  Th.S - KTS, Nhà thơ  Đào Viết Cán, bút danh  Anh Đào,  Chủ nhiệm CLB THƠ CA ĐẤT VIỆT...

MỖI ĐỢT HỌC, MỘT CHUYẾN ĐÒ

 Xin giới thiệu bài thơ MỖI ĐỢT HỌC, MỘT CHUYẾN ĐÒ của  Nhà thơ Nguyễn Hoàng Huấn. Bài thơ tác giả gửi tặng những sinh viên học đợt...