Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Văn hoá truyền thống

HUYỀN THOẠI VỀ “THÁNH MẪU ĐIỆN CHỦ” LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA

Thứ hai , 10/10/2022 | 16:05 GMT+7
Trên nền tảng tín ngưỡng thờ nữ thần có từ xa xưa của văn hóa Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Mẫu Tam phủ phát triển. Khó có thể khẳng định tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ xuất hiện từ bao giờ trong lịch sử. Người Việt xưa thiêng hóa các vùng không gian trong thiên nhiên, coi mỗi vùng có một vị Mẫu cai quản: Miền Trời có Mẫu Thiên, miền Nước có Mẫu Thoải, miền Rừng có Mẫu Thượng Ngàn, để thờ cúng ba người Mẹ cai quản ba miền. Tâm thức dân gian sau đó lại sáng tạo một vị Mẫu trông coi cõi Người: Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Nhưng tại điện thần của các nơi thờ các Thánh Mẫu, chỉ có ba vị: Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và một vị ngồi giữa mà dân gian cho rằng đó là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, được coi đồng nhất với Mẫu Thiên, bởi Thánh Mẫu là con trời giáng trần.  
Huyền thoại về Thánh Mẫu Liễu Hạnh tồn tại trong dân gian không biết tự bao giờ, nhưng được các nhà nho chuyển thành sáng tác văn chương. Như tập truyện chữ Hán “Truyền kỳ tân phả” của Đoàn Thị Điểm, “Vân Cát thần nữ” của nhóm Thanh Hòa Tử hay tập truyện chữ Nôm “Liễu Hạnh công chúa” diễn âm của Nguyễn Công Trứ. Các ghi chép huyền thoại dân gian cho thấy: Mẫu là tiên trên thượng giới, do mắc lỗi nên bị đày xuống nơi cõi trần, hết hạn về cõi tiên, rồi lại xin xuống cõi trần, quy y theo Phật giáo. Đây là huyền thoại ca ngợi người phụ nữ, thể hiện khát vọng giải phóng phụ nữ trong một xã hội mà Nho giáo có ảnh hưởng sâu đậm. Ghi chép của các nhà nho là sáng tạo văn hóa, khiến Thánh Mẫu Liễu Hạnh trở thành nhân vật thiêng liêng, gợi niềm tin vào tình thương bao la, lòng từ bi bác ái của Mẫu. Bởi thế, Thánh Mẫu Liễu Hạnh trở thành nhân vật trung tâm của tín ngưỡng Tam phủ, là Thánh Mẫu Điện chủ, một trong “Tứ bất tử” bên cạnh Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương và Đức Chử Đông Tử. Còn theo dân gian tương truyền, Mẫu Liễu Hạnh là Đệ Nhị Quỳnh Hoa công chúa – con gái thứ 2 của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Sự tích về lai lịch, hiện thân của Bà được ghi chép và lưu truyền bởi truyền thuyết 3 lần giáng sinh của Mẫu (lần giáng trần thứ nhất từ năm 1434 – 1473, lần giáng trần thứ 2 từ 1557- 1577 , lần ba năm 1579). Chính trong các lần tái sinh này, dân gian lưu truyền nhiều giai thoại về công đức và chiến công của chúa Liễu Hạnh. Từ việc nàng ủng hộ tiền bạc để đắp đê ngăn lũ, đến xây dựng cầu cống, mở đường mở sá, cùng biết bao công trình giúp cuộc sống của nhân dân thêm phần thuận tiện khác. Thậm chí, nàng còn ra tay làm phép để phù hộ nhân dân đánh đuổi giặc Tàu. Dân gian truyền lại rằng, lần giáng trần thứ ba của bà là vào lúc Trịnh Nguyễn phân tranh, nhân dân lầm than cơ cực. Nàng đi khắp nơi để cứu nhân độ thế, trừng trị kẻ ác. Sinh ra trong thời xã hội rối ren, tín ngưỡng thờ Mẫu và sự tích 3 lần giáng trần của Mẫu như là chốn nương tựa của người dân cơ cực, ít nhất là về mặt tâm lý và tâm linh. Ngài chính là hiện thân của sức mạnh nữ quyền, đi ngược lại với giáo lý Nho Khổng với đạo Tam tòng Tứ đức. Cuộc đời trần thế của ngài chính là sự thể hiện ý nghĩa nhất tình yêu cuộc sống với đầy đủ sướng vui đau khổ, sự tự do trong hành động với tư duy phóng khoáng, độc lập. Điều đó giải thích cho sức sống bền bỉ và trường tồn của hình tượng Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong tâm thức người dân Việt Nam. Không chỉ được dân gian tôn sùng, mà Mẫu còn được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân", “Thượng thượng thượng đẳng tối linh, vị bách thần chi thủ”  "Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương” và cuối cùng quy y cửa Phật theo lối bán tu rồi thành đạo là Mã Vàng Bồ Tát.
Lịch sử phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã trải qua mấy trăm năm, khiến tín ngưỡng này trở thành một di sản văn hóa gồm nhiều thành tố khác nhau. Người dân các vùng quê lập ra nhiều di tích để thờ Mẫu Tam phủ. Theo ghi chép của các nhà nho, Nam Định được xem là nơi Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh, do đó mà nơi đây tập trung nhiều phủ thờ và là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, với hơn 400 di tích. Thánh Mẫu Liễu Hạnh còn được thờ cúng tại các đền, các phủ lớn khác gắn liền với các huyền thoại về Bà như Phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Sòng (tỉnh Thanh Hóa), đền Bắc Lệ (tỉnh Lạng Sơn)…Trong đó, Phủ Tây Hồ là một trong những địa danh nổi tiếng linh thiêng ở Hà Nội gắn với sự tích về Mẫu Liễu Hạnh và cuộc hội ngộ lần thứ 2 với trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Người ta lý giải, sự ra đời của Phủ cũng chính từ huyền tích ly kỳ này.

 Tượng thờ Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Tây Hồ
 
Chuyện kể rằng, sau khi về kinh đô vừa mới được thu hồi từ tay nhà Mạc, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan rủ hai bạn thơ là Cử nhân Ngô Tường Sinh và Tú tài Lý Hạ cùng nhau đi chơi Tây Hồ. Ba người tha thẩn đến một quán rượu ngay ven hồ, đơn sơ nhưng thơ mộng, trên cửa thấy đề bốn chữ lớn: Tây Hồ phong nguyệt. 3 người lần lượt bước vào quán, thoạt nhìn lên tường thấy có dán một bài thơ tứ tuyệt nét mực còn tươi, chữ viết đẹp như rồng bay, phượng múa:
Điếm phương môn nội chiếu minh nguyệt,
Thời chính nhân bàng lập thổ khuê,
Khách hữu tam tinh câu nguyệt đối,
Huệ nhiên nhất mộc lưỡng nhân đề.
Dịch:
Cửa quán là đây trăng sáng soi,
Bên mành ai đứng đợi chờ ai,
Khách đến ba người thừa đội nguyệt,
Một cây huệ mọc giữa hai ngài.
Cả bài thơ tựu trung lại là: ‘Điếm môn nhàn. Thời chính giai. Khách hữu tâm. Huệ nhiên lai” (Quán đương vắng. Thời tiết đẹp. Khách có lòng. Mời vào chơi).
Ba người gật gù khen giỏi. Ngay lúc 3 người đang trầm trồ tán thưởng thì bỗng có một cô hầu gái xinh đẹp bâng đến một khay rượu, ở trên bày 3 cái chén, 1 ve rượu kèm theo 1 tờ danh thiếp, nhẹ nhàng đặt xuống mặt bàn, nhỏ nhẹ mời 3 thi nhân nhấp chén, rồi nhanh nhẹn rút lui vào sau song cửa. Phùng Khắc Khoan cầm chiếc thiếp, đọc xong rồi đưa cho 2 bạn, trên thiếp 3 người thấy rõ 1 câu thơ:
Tây Hồ biệt chiếm nhất hồ thiên
(Tây Hồ riêng chiếm một bầu trời)
Ba nhà thơ hiểu ngay ý của chủ nhân đưa câu thơ trên là muốn mở đầu cho một bài thơ “liên cú” viết về Hồ Tây để thử tài họ nên họ rất hào hứng, vừa nhấp rượu vừa lần lượt mỗi người 2 câu, người này nối tiếp người kia, chẳng mấy chốc đã có ngay một bài dài. Gần đến đoạn kết, bỗng từ phía sau song cửa vang lên 1 câu thơ trong trẻo phát ra từ giọng một người con gái trẻ:
Đắc nguyệt ưng tri ngã thị tiên
(Trăng tròn soi một bóng tiên thôi)
Ba nhà thơ không bảo nhau nhưng cùng lúc đập nhẹ tay xuống bàn khen hay. Họ gặp người hầu gái, nói xin được gặp chủ nhân nhưng người hầu gái trước sau một mực thưa: Liễu chủ nhân của cô có việc bận xin được cáo lỗi.
Ngồi thêm một lúc, 3 người đành ra về trong nỗi day dứt băn khoăn.
Mấy ngày sau, Phùng Khắc Khoan và 2 người bạn họ Ngô, họ Lý lại rủ nhau đến thăm quán. Nhưng khi đến nơi thì quán cũ đã không còn, chỉ còn thấy trên thân cây bên quán cũ 1 bài thơ ai dán sẵn:
Vân tác ý thường phong tác xa,
Tiên du Đâu Suất mộ yên hà,
Thế nhân dục thức ngô danh tính,
Nhất đại sơn nhân Ngọc Quỳnh Hoa.
Ngô và Lý hỏi Phùng Khắc Khoan về ý nghĩa bài thơ. Phùng Khắc Khoan trầm ngâm một lúc rồi buồn bã trả lời:
- Ba câu đầu của bài thơ, ý tứ rõ ràng chắc 2 quan bác không có gì bận nghĩ. ‘Lấy mây làm xiêm áo, lấy gió làm xe. Sáng đi chơi Đâu Suất, chiều ngao du mây khói. Người đời ai muốn biết họ tên ta’, đến đó luận theo kiểu chiết tự: chữ nhất ghép với chữ đại sẽ thành chữ thiên; chữ sơn ghép với chữ nhân sẽ thành chữ tiên. Câu cuối cùng trở thành Thiên tiên Ngọc Quỳnh Hoa (Ta là Ngọc Quỳnh Hoa tiên nữ nhà trời).
Nói tới đó, Phùng Khắc Khoan dừng lại một lúc, rồi bùi ngùi kể cho 2 người bạn nghe những kỷ niệm về cuộc gặp gỡ kỳ thú với tiên Liễu Hạnh trước đây trên xứ Lạng, nơi mà sau lần gặp đó ông đã cho xây chùa để tưởng niệm. Cả 3 ngẩn ngơ luận rằng, tiên Quỳnh Hoa chính là người hầu gái xinh đẹp hôm nọ gặp. Họ thơ thẩn trên nền quán cũ một hồi lâu rồi ai trở về nhà người ấy trong nỗi nhớ tiếc miên man.
Để tưởng nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm, sau đó chính Phùng Khắc Khoan đã cho dựng lên trên nền đất cũ Tây Hồ phong nguyệt ngôi đền thờ Chúa Liễu Hạnh để ghi lại kỷ niệm lần thứ 2 gặp bà ngay bên bờ Tây Hồ xinh đẹp, cảnh quan thơ mộng của kinh thành Đông Kinh. Ngôi đền đó qua nhiều lần trùng tu, nay chính là Phủ Tây Hồ trên bán đảo Tây Hồ thuộc Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội (xưa thuộc làng Tây Hồ, thôn Quảng Khánh, xã Quảng An).
Bằng trí tuệ của mình thông qua những câu thơ sâu sắc, Thánh Mẫu đã làm cho Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Một vị trọng thần của triều Lê đi sứ Tàu trở về qua vùng biên ải Lạng Sơn phải kính nể, phải nghe theo yêu cầu của Tiên chúa để bỏ tiền tu sửa lại ngôi chùa cổ ở Lạng Sơn. Cũng với trí thông minh, tài giỏi thơ văn của mình, một lần nữa tiên chúa lại làm cho Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Cử nhân họ Ngô, Tú tài họ Lý phải kiêng nể khi gặp nhau, đối đáp văn thơ ở Tây Hồ, Hà nội…Có thể nói: Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một biểu tượng đa dạng mà sinh động, một nhân vật phi thường (là Tiên, là Thánh, là Phật) nhưng lại gần gũi với đời thường như bao người phụ nữ Việt Nam
Từ sâu thẳm trong tâm thức văn hóa dân gian, hàng trăm năm nay, khắp trong Nam, ngoài Bắc nhân dân ta luôn có sự ngưỡng vọng, gửi gắm niềm tin ở nữ Thần Liễu Hạnh –Mẫu Nghi Thiên Hạ - Người Mẹ của muôn dân. Phải chăng tâm thức đó luôn hướng về một Đạo thuần Việt đó là đạo Thánh,đạo Mẫu (đạo Mẹ) với những giá trị văn hóa thiêng liêng cao cả.
Quay trở lại việc thỉnh Tam Toà Thánh Mẫu, trong hầu đồng cổ truyền không bao giờ có tung khăn tam tòa thánh Mẫu, bởi vị ngài đứng đầu trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Việc mở khăn ngài được coi là bất kính. 


                 
 Khi hầu đồng thỉnh Mẫu, thanh đồng chỉ hầu tráng bóng

Nhưng không hiểu sao ngày nay lại có một số vị hầu cả Thánh Mẫu, rồi buông khăn buông rèm múa may. Rồi lại có một số các con nhang đệ tử thành tâm "cuồng nhiệt" quá mà cứ xông vào cung cấm nhìn ngó vái lạy. Không hiểu mọi người có hiểu cung cấm là như nào không nữa. Đó không những bất kính đối với Thánh mà còn tỏ ra lộn xộn, mất đi sự uy nghiêm nơi thờ tự.
 
Mẫu chỉ về ra tay dấu và làm lễ tấu hương

Khi hầu đồng thỉnh Mẫu, thanh đồng chỉ hầu tráng bóng. Mẫu chỉ về ra tay dấu và làm lễ tấu hương. Riêng mẫu Đệ Tam, ngài có dùng hương khai quang. Ta có thấy được điều này qua giá hầu của thanh đồng Tạ Phương Thảo – một thanh đồng trẻ luôn nhất tâm phụng sự việc Thánh và luôn duy trì lề lối hầu đồng theo lối cổ.  Nhờ nắm vững nghi lễ, phép tắc trong thực hành tín ngưỡng mà mỗi lần bắc ghế hầu Thánh, chị luôn chỉn chu từ trang phục đến cung văn, vũ đạo luôn bảo đảm sự tôn nghiêm, thành kính, thể hiện đúng giá trị tinh thần là ca ngợi công ơn của các vị Thánh, Mẫu; tái hiện lại hình ảnh oai hùng các vị tướng, các vị anh hùng dân tộc đã có nhiều công lao trong xây dựng và bảo vệ đất nước…
Nhân kỷ niệm 465 năm chúa Liễu Hạnh đản sanh lần 2 (1557-2022), Thanh đồng Tạ Phương Thảo đã về Phủ Tây Hồ loan giá phụng sự, thực hành nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, trong sự tiếp đón nồng nhiệt của chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ cùng du khách thập phương.

 
NÉT ĐẸP THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU CỦA NGƯỜI VIỆT QUA CÁC GIÁ HẦU CỦA THANH ĐỒNG TẠ PHƯƠNG THẢO


Thanh đồng Tạ Phương Thảo











Duy Bảy
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

CỤM DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ – KIẾN TRÚC QUÝ GIÁ LÀNG NGỌC THAN (XÃ NGỌC MỸ, HUYỆN QUỐC OAI, THÀNH PHỐ HÀ NỘI)

Ngọc Than là một làng Việt cổ có truyền thống văn hiến từ lâu đời. Tên Ngọc Than bắt nguồn từ hình ảnh “bút Ngọc - nghiên Than” gắn...

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Xuân Mai - Người bảo tồn, gìn giữ và phát huy làn điệu Hát ví cửa đình thôn Ngọc Than

Thôn Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai) là một làng Việt cổ của xứ Đoài thơ mộng. Đây là một làng văn hiến có truyền thống khoa...

Đông Cứu: Nơi khơi nguồn cảm hứng từ những sợi chỉ

Ở Hà Nội có một ngôi làng nức tiếng với nghề độc nhất vô nhị là “thêu áo cho vua” tại làng Đông Cứu (Thường Tín)....

ĐẠI TÁ NGUYỄN HOÀNG HUẤN: TỪ NGƯỜI LÍNH TĂNG THIẾT GIÁP ĐẾN NHÀ GIÁO TẬN TÂM

    Với hơn 40 năm cống hiến trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và sự nghiệp giáo dục, Đại tá - nhà giáo Nguyễn Hoàng Huấn đã...

HÂN HOAN NGÀY KHÁNH THÀNH TỪ ĐƯỜNG DÒNG HỌ PHẠM VĂN ( Hải Phòng )

       BẮC NAM NGÀN DẶM MỘT NHÀ -  BỐN PHƯƠNG HỌ PHẠM ĐỀU LÀ ANH EM