Văn hoá truyền thống
Nghệ nhân, đồng thầy Nguyễn Tuấn Lâm – Nặng lòng với di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
Thứ ba ,
25/03/2025 |
14:19 GMT+7
Năm 2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều đó thêm lần nữa khẳng định được loại hình di sản tập quán xã hội và tín ngưỡng có vị trí vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt; trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử trong khi nhiều tôn giáo tín ngưỡng dân gian khác đã có nhiều thay đổi, nhưng tín ngưỡng thờ Mẫu với những giá trị đặc trưng đã có sức sống lâu bền và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ với những bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo của người Việt Nam. Đây cũng là nguồn động lực để những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cố gắng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật mà ông cha để lại. Trong đó nghệ nhân, đồng thầy Nguyễn Tuấn Lâm - Thủ nhang đền Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội là một tấm gương điển hình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Đồng thầy Nguyễn Tuấn Lâm - Thủ nhang Đền Kim Giang địa chỉ tại, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Nghệ nhân, đồng thầy Nguyễn Tuấn Lâm cho biết: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước. Hơn 53 năm gắn bó với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ nhân, đồng thầy Nguyễn Tuấn Lâm đã đúc kết, tích lũy nhiều kinh nghiệm và đã truyền dạy cho các con nhang đệ tử của mình thực hành nghi lễ đúng lề lối, phép tắc. Với mỗi học trò, điều đầu tiên ông dạy là kiến thức về tín ngưỡng thờ Mẫu, hiểu về các nhân vật được thờ phụng gắn với những văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt và lịch sử các vị anh hùng có công chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Hiểu được âm nhạc chầu văn, các bộ trang phục thực hành tương ứng với từng vị thần linh (Thánh). Bên cạnh đó, ông luôn nhắc nhở học trò của mình phải có niềm tin thờ Mẫu, không để biến tướng một số nghi thức thành mê tín dị đoan, nặng về vật chất.

Kiệu Thánh trước sân đền Kim Giang
Không chỉ gìn giữ và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu, từ khi đảm nhiệm vai trò là thủ nhang, đồng đền Kim Giang, suốt 25 năm qua nghệ nhân Nguyễn Tuấn Lâm còn có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và giữ gìn di tích lịch sử cấp Quốc gia đền Kim Giang ngày một khang trang, sạch đẹp. Nơi đây đã trở thành điểm đến quen thuộc đối với nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, ông còn phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhằm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, gia đình khó khăn,...Với những việc làm “tốt đời, đẹp đạo” của mình nghệ nhân, đồng thầy Nguyễn Tuấn Lâm đã vinh dự nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương của các cấp, ngành trao tặng vì đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, an sinh xã hội. Nghệ nhân, đồng thầy Nguyễn Tuấn Lâm là tấm gương sáng về chuẩn hóa những nghi thức, lễ nghi canh hầu trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Qua đó giúp thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, công lao của cha ông và tiếp tục bảo tồn giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt.
Sau 9 năm Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực có những biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Điều đó có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong bối cảnh cuộc sống đương đại, thực hiện Chương trình hành động quốc gia mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với UNESCO là đảm bảo di sản trường tồn và giữ vững danh hiệu mà UNESCO đã ghi danh. Với sự đồng thuận của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự chung tay của cộng đồng những người thực hành tín ngưỡng. Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã và sẽ được thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trường tồn cùng với sự phát triển của dân tộc trong kỷ nguyên mới.
NGỤY PHAN TÂN
Bình luận
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
THAM DỰ VÀ KHÁM PHÁ NHỮNG NÉT ĐẶC SẮC CỦA HỘI LIM
Tiết trời se lạnh. Nắng xuân cũng đã bắt đầu tưới lên những giọt sương long lanh. Hoa đào khoe sắc thắm, lòng người lại rộn ràng hướng...
MÙA XUÂN VÀ “THẾ TRẬN LÒNG DÂN” NƠI BIÊN GIỚI
Những năm qua, Bộ đội Biên phòng – Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có nhiều chủ trương, giải pháp, với những mô hình...
XUÂN YÊU THƯƠNG TỪ NHỊP ĐẬP SÀI GÒN
Những ngày giáp tết Ất Tỵ, giữa bộn bề lo toan “tết nhất”, chị Bùi Kiều Ly vẫn như con thoi đi về giữa thành phố Hồ Chí Minh với các...
TẾT YÊU THƯƠNG
Dù ở đâu, mỗi độ Tết đến, Xuân về luôn là dịp để những người đang đi xa nhớ về quê hương nguồn cội, nơi có ông bà, cha mẹ, nơi...
TÂM NGUYỆN CỦA NHỮNG “CHÀNG TRAI CẦU GIẼ” NĂM XƯA
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, hình ảnh “chàng trai Cầu Giẽ” - những chiến sỹ quên mình ngày đêm...