Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Văn hoá truyền thống

CỤM DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ – KIẾN TRÚC QUÝ GIÁ LÀNG NGỌC THAN (XÃ NGỌC MỸ, HUYỆN QUỐC OAI, THÀNH PHỐ HÀ NỘI)

Thứ ba , 24/12/2024 | 18:14 GMT+7
Ngọc Than là một làng Việt cổ có truyền thống văn hiến từ lâu đời. Tên Ngọc Than bắt nguồn từ hình ảnh “bút Ngọc - nghiên Than” gắn liền với nhiều huyền thoại của một làng quê mang đậm nét văn hoá xứ Đoài. Từ xa xưa làng Ngọc Than đã có tên trong nhiều sách vở, tài liệu lịch sử, văn hoá, văn học, địa lý của nước nhà. Đây cũng là nơi nổi tiếng bởi tinh thần hiếu học trong suốt các triều đại phong kiến đến thời đại Hồ Chí Minh. Cụm di tích quý giá Chùa - Văn chỉ - Đình của làng Ngọc Than là minh chứng hùng hồn cũng là niềm tự hào của vùng quê văn hiến, giàu truyền thống cách mạng.

CHÙA NGỌC THAN (VĨNH KHÁNH TỰ)
Chùa Ngọc Than nằm ở vị trí trung tâm của làng, theo lối kiến trúc cận đại, kiểu “nội công - ngoại quốc” gồm một chùa chính 5 gian, 2 chái, có hậu cung lớn. Chùa Ngọc Than được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá năm 2011. Qua khảo sát giá trị quý hiếm của chùa, năm 2014, Chùa được Nhà nước xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia. Ngôi chùa tồn tại cùng làng Ngọc Than từ thời Hậu Lê và đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa: Vào năm Minh Mạng (1822), Thiệu Trị (1844) và trùng tu lớn vào thời Bảo Đại. Nhưng trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, ngôi chùa đã bị giặc tàn phá, rơi vào cảnh hoang sơ, đổ nát. Vì Chùa từng là nơi hội họp của cán bộ cách mạng từ Trung ương đến địa phương. Trong Chùa còn có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, cất giấu vũ khí, có đóng góp đáng kể cho kháng chiến cứu nước cho đến ngày toàn thắng.

Chùa Ngọc Than (Vĩnh Khánh tự) được công nhận là Di tích Quốc gia năm 2014
Chùa Ngọc Than thờ Phật, theo phái Bắc Tông là tông phái truyền vào Việt Nam theo con đường của các tăng sĩ Trung Hoa cổ đại. Đối với người dân Ngọc Than, Chùa chính là nơi dùng giáo lý nhà Phật để khuyến thiện, trừ ác, giáo dục lòng nhân ái của con người. Do đó có thể nói chùa Ngọc Than là nơi lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Không chỉ là nơi thờ Phật, trong chùa Ngọc Than còn thờ những người có công đức với làng, với xã, có nhà thờ Tổ, thờ Mẫu, một số loại hình tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ được lưu truyền và tồn tại đến nay.
Gần một thế kỷ nay, các vị trụ trì (nhất là cố sự cụ Thích Đàm Phan và nay là sư thầy Thích Đàm Tâm) đã góp nhiều công, của, tâm huyết cùng các cấp chính quyền địa phương và các phật tử gần xa chung lòng, chung sức - nhất là được Nhà nước đầu tư xây dựng năm 2019 - Chùa đã được to đẹp, tôn nghiêm như ngày hôm nay. Khuôn viên Chùa được trồng nhiều cây xanh, cây lưu niên. Cổng, sân vườn, tiền đường, thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách được quy hoạch gọn gàng, ngăn nắp. Hệ thống tường bao xung quanh có những bức hoạ lớn, giáo dục con người thiện tâm, thiện đức. Trong Chùa có những tượng phật, di vật cổ, quý giá như: tượng Phật Thích Ca bằng đồng, 1 tượng Di Lặc bằng đồng, 2 quả chuông đồng có giá trị (1 quả đúc năm 1882, 1 quả đúc năm 1886) và 1 khánh đồng đúc năm 1844. Với những quả chuông đồng cổ, quý hiếm, tâm nguyện của lãnh đạo thôn cùng các phật tử, nhất là sư thầy Thích Đàm Tâm mong muốn sớm xây dựng lại được gác chuông để gìn giữ chuông quý. Mỗi sáng sớm, chiều tối và những ngày lễ tiếng chuông chùa lại ngân lên như tiếng vọng của non sông, gấm vóc, của các bậc tiền nhân gọi các thiện nam, tín nữ hướng về cửa thiền.
Chùa Ngọc Than còn có giá trị khoa học, lịch sử. Vì Chùa thờ Phật theo phái Đại Thừa - một tôn giáo đã du nhập vào nước ta rất sớm, có ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân nước ta. Nên chùa Ngọc Than được đánh giá là ngôi chùa có giá trị văn hoá bởi khung cảnh thiền vị, thoát tục, có ảnh hưởng rất lớn đến nếp sống thuận từ, đạo đức, quý trọng hoà bình. Bằng những giáo lý của nhà Phật luôn khuyên con người hướng tới chân - thiện - mĩ.
VĂN CHỈ LÀNG NGỌC THAN
Cũng có thể nói chùa Ngọc Than có ảnh hưởng không nhỏ đến thuần phong mĩ tục, nhất là truyền thống hiếu học của làng Ngọc Than. Ngọc Than là một trong số không nhiều làng có khu văn chỉ ghi danh các bậc khoa bảng từ thời phong kiến đến nay. Thời phong kiến với số dân không lớn nhưng chỉ tính từ năm 1714 (năm Vĩnh Thịnh thứ 14) đến thời Tự Đức, làng Ngọc Than đã có 124 người đỗ đạt trong các kỳ thi Hội, thi Đình. Có những gia đình có cả bố con, anh em ruột cùng đỗ đạt. Có cụ được lưu danh ở Quốc Tử Giám như cụ Đặng Trần Chuyên, Đỗ Lai Viễn, Đỗ Công Dụng. Hầu hết các vị khoa bảng ngày trước không chọn đường thăng quan tiến chức mà đều chọn con đường làm thầy. Nên làng Ngọc Than còn nổi danh là “Làng thầy đồ”.
Truyền thống hiếu học như mạch nguồn tuôn chảy thấm từ đời này qua đời khác thành truyền thống hiếu học của quê hương. Tính đến nay, làng Ngọc Than có 8 giáo sư, phó giáo sư, 71 thạc sĩ, nhiều người giữ trọng trách và thành công trong các lĩnh vực khoa học, quân sự, y tế, truyền thông. Điều đáng khích lệ là lớp trẻ Ngọc Than thành công trên nhiều lĩnh vực khoa học. Người trẻ nhất mới sinh năm 1998. Đặc biệt có tới 27 cán bộ cao cấp phục vụ trong quân đội từ hàm đại tá trở lên.
Ông Bùi Trọng Dung - Bí thư thôn Ngọc Than và ông Nguyễn Quý Trực - Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, chi hội trưởng Người cao tuổi thôn cho biết:
“Quê hương chúng tôi rất chú trọng việc khuyến học, khuyến tài. Để xây dựng được Văn chỉ như hôm nay, toàn Đảng, toàn dân làng Ngọc Than mỗi người đóng góp theo phương thức xã hội hoá. Năm 2022, dân làng tôi đã có 1 tỷ để xây dựng văn chỉ”.
Hiện tại, văn chỉ của làng Ngọc Than chỉ còn 360m2. Theo các cụ cao niên kể lại thì văn chỉ làng Ngọc Than trước kia rộng 3 sào 12 thước. Từ xưa, các cụ đã có phong trào “HỌC ĐIỀN DI TẬP” nghĩa là góp tiền mua ruộng để làm bia ghi danh những người đỗ đạt để lưu truyền, làm gương cho con cháu đời sau. Nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ngọc Than mong muốn được Nhà nước, Ban di sản quan tâm để xây dựng, mở rộng xây dựng thêm nhà truyền thống để đề cao việc khuyến học, khuyến tài. Nơi đây sẽ là điểm đến của các bậc phụ huynh, học sinh trong và ngoài xã. Mong ước thật chính đáng. Người dân Ngọc Than không hổ danh với quê hương có biểu tượng “bút Ngọc - nghiên Than”, xứng đáng với câu đối lưu giữ ở văn chỉ:
“Sơn ngát đường tiền tiên bút thế
Than lưu nhiễu hậu dẫn văn lan”.
Phải nói rằng văn chỉ chính là biểu tượng của trí tuệ, tài đức của dân làng Ngọc Than.
ĐÌNH NGỌC THAN

Đình làng Ngọc Than
Đình Ngọc Than là ngôi đình cổ, được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1982. Đình được xây dựng năm Đức Nguyên thứ I, tức năm Giáp Dần (1674) dưới thời vua Lê Gia Tông (1672 -1675). Đến năm Chính Hoà 4 (1683) đời vua Lê Hy Tông (1676-1705), Đình được mở rộng quy mô lần 1. Năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1717) đời vua Lê Dự Tông (1705-1929), Đình được mở rộng quy mô lần 2. Cụ Nguyễn Xuân Mai, 85 tuổi - Trưởng ban khánh tiết - Trưởng văn của làng cho biết:
“Theo khảo tả di tích thì Đình Ngọc Than của quê tôi là ngôi đình sàn gỗ độc đáo, là ngôi đình duy nhất với dáng kiến trúc thời Lê Trung Hưng được bảo tồn khá nguyên vẹn. Dân làng tôi, nhất là hội Người cao tuổi luôn bảo ban lớp con cháu bảo tôn và gìn giữ giá trị của ngôi Đình”.
Kiến trúc đình Ngọc Than được đánh giá là rất phóng khoáng, kết hợp hài hoà với thiên nhiên, dáng vẻ thanh nhã mà vẫn bề thế, tôn nghiêm. Các di vật quý giá trong Đình được bảo tồn, gìn giữ cẩn thận. Đình Ngọc Than thờ 2 vị thành hoàng đều là anh hùng dân tộc. Một là Lý Bí - người đã đứng lên khởi nghĩa chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần 2 (544-548) và đánh tan cả quân Lâm ấp ở miền trong, đem lại hoà bình, lập lên nhà nước độc lập lấy tên Vạn Xuân. Ông xưng Đế năm Giáp Tý (544). Người anh hùng thứ hai được kính thờ làm thành hoàng là dũng tướng Phạm Tu - một danh tướng của Lý Bí - đứng đầu hàng quan võ, được phong làm thái sư triều Lý. Năm Đinh Mão (547), ông đem quân đến giải vây cho tướng Triệu Túc ở Vân Đồn thì bị quân Lương bao vây. Ông đã anh dũng hy sinh trong trận chiến. Năm Cảnh Hưng thứ 17 (1757), nhà vua ban sắc lệnh cho làng Ngọc Than được thờ vua tiền Lý Nam Đế (Lý Bí) và danh tướng Phạm Tu.
Trong kháng chiến chống Pháp, đình Ngọc Than còn là nơi che chở và nuôi giấu một bộ phận chính quyền, ban ngành Trung ương và chính quyền Huyện cùng một bộ phận của Văn phòng Chính phủ. Năm 1947, sau khi đọc xong thơ chúc tết ở chùa Trầm, Bác Hồ đã ghé về đây. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều lần đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng đã về thăm lớp huấn luyện đặt tại Đình.
Có thể nói cụm di tích Chùa - Văn chỉ - Đình của làng Ngọc Than có giá trị quý giá về lịch sử, văn hoá, kiến trúc. Rất mong UBND, Phòng Văn hoá huyện Quốc Oai đề nghị các cấp, các ngành thuộc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch gắn kết cụm di tích lịch sử làng Ngọc Than thành tuyến du lịch đến các điểm du lịch nổi tiếng của Quốc Oai như chùa Thầy, đình So, động Hoàng Xá, núi đá Sài Sơn,...

Ban quản lý cụm di tích lịch sử - văn hóa làng Ngọc Than
Trần Văn Tuấn
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tôn vinh truyền thống dân tộc đề cao danh nhân, xây dựng tương lai Việt Nam mạnh giàu bản sắc

Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc, những danh nhân văn hóa luôn là những ngôi sao sáng, tỏa rạng ánh hào quang, soi...

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Xuân Mai - Người bảo tồn, gìn giữ và phát huy làn điệu Hát ví cửa đình thôn Ngọc Than

Thôn Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai) là một làng Việt cổ của xứ Đoài thơ mộng. Đây là một làng văn hiến có truyền thống khoa...

Đông Cứu: Nơi khơi nguồn cảm hứng từ những sợi chỉ

Ở Hà Nội có một ngôi làng nức tiếng với nghề độc nhất vô nhị là “thêu áo cho vua” tại làng Đông Cứu (Thường Tín)....

ĐẠI TÁ NGUYỄN HOÀNG HUẤN: TỪ NGƯỜI LÍNH TĂNG THIẾT GIÁP ĐẾN NHÀ GIÁO TẬN TÂM

    Với hơn 40 năm cống hiến trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và sự nghiệp giáo dục, Đại tá - nhà giáo Nguyễn Hoàng Huấn đã...

HÂN HOAN NGÀY KHÁNH THÀNH TỪ ĐƯỜNG DÒNG HỌ PHẠM VĂN ( Hải Phòng )

       BẮC NAM NGÀN DẶM MỘT NHÀ -  BỐN PHƯƠNG HỌ PHẠM ĐỀU LÀ ANH EM