Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Góc nhìn pháp luật

Làm báo, cần viết đúng ngôn ngữ và ngữ pháp Tiếng Việt

Thứ hai , 25/10/2021 | 14:58 GMT+7
Người làm báo là nhà tuyên truyền, cổ động, hướng dẫn dư luận xã hội, định hướng về hành động cho Nhân dân, đòi hỏi phải thông thạo ngôn ngữ, nắm vững ngữ pháp, viết đúng, chuẩn mực tiếng Việt và ngữ pháp được quy định của Nhà nước và ngành Giáo dục quốc gia…
      Ở nước ta, đặc điểm địa lí, vùng miền, nhiều dân tộc nên trong lịch sử, truyền thống, phong tục, tập quán lâu đời sản sinh ra nhiều ngôn ngữ, chữ viết, tiếng nói, cách phát âm (phương ngữ) không thuần nhất. Tiếng Việt và ngữ pháp tiếp thu từ tiếng la-tinh và ảnh hưởng của nhiều ngôn ngữ phương đông, phương tây. Ví dụ: Chỉ riêng chiếc xe đạp mọi chi tiết, phụ tùng trước đây được gọi bằng tiếng Pháp (bồi): Bi-đan, gác-đờ-bu, gác-đờ-xen, ghi-đông, moay-ơ, gác-ba-ga, xích, líp, lốp, xăm,v.v…,rồi dần dần Việt hóa gọi là ổ trục giữa, bàn đạp, tay lái, đèo hàng, nan hoa, vành, bánh,v.v...
       Từ sau ngày thống nhất đất nước, ngành Giáo dục và truyền thông từ nguồn báo chí, văn học, qua hòa hợp dân tộc, sự tiếp cận, giao lưu trong các tầng lớp dân cư, việc phổ cập ngôn ngữ, ngữ pháp có những tiến bộ đáng kể. Ngành Giáo dục thống nhất trên một số bình diện về chữ viết, ngôn ngữ, cách phát âm. Tuy nhiên, đến nay ngôn ngữ, chữ viết và ngữ pháp chủ đạo là hệ chữ quốc ngữ có điểm còn chưa thống nhất.
Chưa đồng nhất nhiều từ ngữ giữa hai miền Nam – Bắc
     Không chỉ trong cách nói mà một số nhà báo khi viết vẫn quen sử dụng nhiều ngôn ngữ địa phương, vùng miền, chưa tuân thủ quy định trong Đại từ điển tiếng Việt hay sách giáo khoa phổ thông. Ví dụ: Lái xe viết là tài xế, hoa viết là bông, ăn viết là nhậu, con lợn viết là con heo (giá thịt heo leo thang), trứng vịt lộn viết là hột vịt, củ sắn viết là củ mì, quả dứa viết là trái thơm, quả na viết là trái mãng cầu, cái bát ăn cơm viết là cái chén, phanh xe viết là thắng, cái muôi xúc cơm, múc canh viết là cái muổng, .v.v…Trong cách xưng hô có thể chấp nhận sự khác biệt như cha mẹ (bố mẹ), có thể nói, viết là ba má, nhưng có nên viết là “bủ”, “bầm”? Còn ông, bà có nên dùng từ “tía”,ông ké”; thậm chí sử dụng đại từ nhân xưng  có nên viết chữ “tui” thay cho chữ “tôi” ?,v.v…

 
Chữ i (ngắn) và y (dài)…
     Trên báo chí, hầu hết các cơ quan ngôn luận (báo in, báo điện tử, truyền hình…), hầu hết các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật, văn kiện chính trị, kinh tế-xã hội,v.v… chữ i (ngắn) và chữ y (dài) vẫn không có sự phân biệt rạch ròi, chính thống, viết tùy hứng, viết theo thói quen. Trong Đại từ điển tiếng Việt và sách giáo khoa phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12) xác lập, phân biệt khá minh bạch và sử dụng chữ i (ngắn) với y (dài) được quy định thống nhất. Theo đó: i (ngắn) thông thường đi liền với phụ âm, còn y (dài) thông thường đi liền với nguyên âm, trừ những trường hợp đặc biệt.
     - Chữ i (ngắn) thường đi với, gắn với và phụ thuộc vào phụ âm. Ví dụ: Chữ kí, bác sĩ, tiến sĩ, kĩ sư, mĩ thuật, kĩ thuật, chiến sĩ, hi sinh, liệt sĩ, vật lí, lí luận, quả bí, xấu xí, tỉ mỉ, xử lí, hi hữu,v.v… chứ không phải là bác sỹ, hy sinh, vật lý, kỹ sư, lý luận, liệt sỹ, chữ ký,v.v… Không chỉ trong từ điển tiếng Việt mà bìa sách giáo khoa đều in rõ: Vật lí, Địa lí chứ không có sách nào ghi Vật lý, Địa lý. Tuy vậy, do cách phát âm mà trong một số trường hợp “đặc biệt” i (ngắn) có thể đi với nguyên âm một cách bắt buộc. Ví dụ: Lầm lũi, lũi cũi, kiếm củi, đi bụi, thằng hủi, tình tiết, nhất thiết,v.v… nếu ghép y (dài) liền với nguyên âm (ui,iê) thì không phát âm đúng được.
     - Chữ y (dài)đứng độc lập đã có nghĩa (ý tứ, ý kiến, như ý, ý Đảng lòng Dân…) nhưng thông thường đi liền với nguyên âm và ít đi theo phụ âm. Ví dụ: Quý I, quỹ văn học, quý tử, quyết tâm, nghị quyết, tâm huyết, Nguyễn Thị Nguyệt Nga,v.v… Trong nhiều trường hợp y (dài) nếu viết thành i (ngắn) thì phát âm và nghĩa vẫn không thay đổi: Quí, quỹ, quỉ xứ, qui định, quy trình,v.v… song nên viết là y (dài) cho phù hợp với quy định của từ điển và sách giáo khoa. Một số chữ y (dài) đi liền với phụ âm nếu là danh từ riêng hoặc mặc định trong hồ sơ, giấy khai sinh. Ví dụ: Lý Thường Kiệt, Khang Hy, Lý Quang Diệu, Nguyễn Văn Tý, Hà Văn Sỹ, Nguyễn Công Lý, thằng Cu Tý,v.v… hay xác định loại hình doanh nghiệp là Tổng công ty, Công ty, Công ty Mẹ, Công ty Con,v.v…
        Viết hoa trong tiếng Việt phù hợp ngữ pháp
         Trong hệ thống chữ Quốc ngữ, những chữ, những từ cần phải viết hoa cũng được quy định trong từ điển, sách giáo khoa rồi được quy định bằng các văn bản luật, quy phạm pháp luật.
      Trong Hiến pháp 2013 tất cả các chữ “Nhân dân” không còn viết như các bản Hiến pháp trước đây (nhân dân) mà đều in chữ hoa âm tiết đầu (Nhân dân). Ngày 9/12/2013 họp báo công bố Hiến pháp, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh: “Lần đầu tiên trong Hiến pháp, chúng ta viết hoa chữ “Nhân dân” nâng lên một bước vai trò của Nhân dân, Hiến pháp trước hết khẳng định chủ quyền của Nhân dân”. Đầu năm 2014, tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương là báo cáo viên phân tích, nhấn mạnh chữ “Nhân dân” như một “phát minh mới” rằng từ nay hai chữ Nhân dân được viết hoa và phải viết hoa, đó là nhận thức mới của Đảng nhằm đề cao vai trò, sứ mệnh của Nhân dân. (Thực ra Bộ Nội vụ đã quy định từ năm 2011). Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, trải qua gần 8 năm Hiến pháp quy định nhưng trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật, trên báo chí (báo in, báo điện tử,v.v…), kể cả Báo Nhân Dân, các chương trình VTV rất hiếm thấy chữ “Nhân dân” viết hoa.

 

 
      Về vấn đề viết hoa trong tiếng Việt, năm 2011 Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 01/2011/TT-BNV quy định viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của câu hoàn chỉnh sau dấu chấm câu (.), sau dấu chấm lửng(…); sau dấu hai chấm(:); sau dấu hai chấm trong ngoặc kép (“…”); viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của mệnh đề sau dấu chấm phẩy (;) và khi xuống dòng. Thông tư cũng quy định trường hợp viết hoa đặc biệt: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (không được viết tắt kiểu HCM-TG), các chữ Nhân dân, Nhà nước; tên các ngày tết viết hoa chữ cái đầu âm tiết (tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ, tết Trung thu…), bỏ quy định về viết hoa đối với tên gọi các tôn giáo, giáo phái, tên gọi ngày lễ tôn giáo,v.v…
     Tuy nhiên, quy định vậy nhưng không được hướng dẫn cụ thể, phổ cập sâu rộng, một số quy định không phù hợp, các trường học cũng ít dạy nên quy định viết hoa trong tiếng Việt cứ bị trôi vào quên lãng. 
      Để viết hoa Tiếng Việt trở thành tiềm thức, nền nếp kỉ cương, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 30/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/3/2020 quy định một số điểm mới, thay đổi và các trường hợp bắt buộc phải viết hoa trong văn bản hành chính. Nghị định quy định văn bản chỉ sử dụng khổ giấy A4, còn quy tắc viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh sau dấu chấm câu(.), sau dấu chấm hỏi (?), sau dấu chấm than (!) và khi xuống dòng; không viết hoa sau dấu chấm lửng (…), dấu hai chấm (: ), sau dấu hai chấm trong ngoặc kép ”…”, sau dấu chấm phảy (;),.v.v… như quy định trong Thông tư 01/2011/TT-BNV. Nghị định 30 quy định viết hoa các chữ Nhân dân, Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc,v.v… ; viết hoa tên người: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,v.v… Trường hợp phiên âm sang Hán Việt viết theo quy tắc tên người Việt Nam: Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Kim Nhật Thành, Thành Cát Tư Hãn,v.v….Trường hợp phiên âm tiếng phương Tây viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất trong mỗi thành phần: Vla-đi-mia I-lích Lê –nin, Phri-đrich Ăng- ghen, Pa-ven Cooc-sa-ghin, An-giê-la Mác-kel,v.v… Viết hoa tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch covi-19, Chủ tịch nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định, Sở Tài chính, Tập đoàn Vingroup,v.v… Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài đã dịch nghĩa viết hoa theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam: Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), UNDP, UNESCO, ASEAN,v.v…
     Như vậy, việc viết hoa trong tiếng Việt đã có những quy định pháp luật cụ thể từ Thông tư, Nghị định cho đến Hiến pháp nên khi viết, in trên báo và các văn bản hành chính bắt buộc phải tuân thủ các quy định đó. Trong việc này, vai trò, trách nhiệm của Tổng biên tập là nhân tố quyết định.
KIM QUỐC HOA
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ca dao và câu ca dao nổi tiếng của nhà thơ Thanh Tịnh

Nhiều năm qua, trong văn học, báo chí ở nước gần như quên lãng một thể loại xung kích, rất hiệu quả trong công tác tuyên truyền, cổ vũ phong trào...

Dân chủ và Kỷ cương - Nhìn từ đại dịch Covid-19

Covid-19 xuất hiện và tồn tại đến nay đã hơn một năm rưỡi và chắc chắn sẽ còn tồn tại trong một khoảng thời gian không ngắn. Sức tàn phá khủng...

Tết Trung Thu - Nét đẹp văn hóa cổ xưa

Theo một số tài liệu nghiên cứu, tết Trung Thu ở Việt Nam là phong tục đã có từ thời sơ sử của người Việt cổ, gắn liền với nền văn hóa Đông...

Chung tay đẩy lùi Covid-19

Không có cái gọi là ‘vaccine xịn’ hay ‘vaccine không xịn’  

CHUYỂN ĐỔI SỐ THÚC ĐẨY VĂN HÓA ĐỌC

Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực, dịch Covid-19 cũng tạo những cú hích đổi mới cho các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xuất bản. Xuất bản là...