Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Văn hoá truyền thống

Người cựu Đại đội trưởng TNXP Tây Bắc năm ấy sống bình dị giữa đời thường

Thứ sáu , 31/05/2024 | 14:19 GMT+7
    Tháng 5 về, cả nước hướng về mảnh đất Điện Biên Phủ, nơi mà quân và nhân dân ta đã làm nên chiến thắng vẻ vang lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Tôi cùng đồng nghiệp đến gặp ông Nguyễn Minh Tâm - Cựu Thanh nhiên xung phong đội 40, Đại đội 409 Tây Bắc, đơn vị đã trực tiếp nhận nhiệm vụ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.  
    Ông Nguyễn Minh Tâm, sinh năm1931 tại thôn Tương Nựu, xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, theo truyền thống quê hương, cha mẹ cho con đi học chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Năm 1948 nhờ xã có Trường Trung học Phù Việt sớm, nên đã thi đậu vào học từ năm 1949 - 1952. Năm 1953 ông cùng hàng nghìn thanh niên Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tình nguyện đăng ký lên đường theo chủ trương tuyển TNXP của Trung ương. Sau khi tập kết tại Thanh Hóa, ông cùng đồng đội nhận lệnh lên đường đi Tây Bắc.

                    
Ảnh ông Nguyễn Minh Tâm thời còn trẻ
 
    Mặc dù ở cái tuổi 93, ông Nguyễn Minh Tâm vẫn nhớ đến những tháng năm tuổi trẻ. Trong căn phòng nhỏ, ngăn nắp và ấm cúng của gia đình ông ở phố Linh Lang, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà nội, ông kể cho chúng tôi nghe những ký ức còn lại của năm tháng được vinh dự tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
    Ông Tâm kể lại: “Lúc bấy giờ không biết  gì về Tây Bắc, cũng chẳng biết mình sẽ làm nhiệm vụ cụ thể là gì, nhưng nhận được lệnh là ai cũng lên đường với khí thế rất hăng hái. Chúng tôi xác định sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì". Rồi cứ thế, ông Tâm  cùng đội TNXP gần 8.000 người, gánh theo lương thực, thực phẩm, xuyên rừng, đêm đi, ngày nghỉ. Lần đầu tiên thấy ngợp về rừng vì càng đi thì rừng càng trùng trùng điệp điệp và lạnh buốt,  Đội 40 của ông vừa đi vừa mở đường, cả mấy tháng mới đến nơi.
    Nhiệm vụ của đội Thanh nhiên xung phong lúc đó là tải thương, tải đạn, bảo vệ lương thực, làm kho, bảo vệ kho... Và nhiệm vụ chính, quan trọng nhất là bảo đảm giao thông thông suốt lên Điện Biên Phủ. Ông nhớ lại: “Lúc đó, tất cả chúng tôi đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Máy bay địch bắn phá ác liệt, quyết cắt đứt đường vận chuyển của ta cho tiền tuyến, nhất là các đoạn: Đèo Chẹn, phà Tạ Khoa, đèo Pha Đin, đăc biệt là “cuống họng” ngã ba Cò Nòi, nơi các phương tiện đều phải đi qua để vào mặt trận. Chúng thả hàng trăm tấn bom các loại, có những ngày địch dùng 69 lượt máy bay B26, B29 ném tới 300 quả bom, có đợt địch đánh liên tục 2 đến 3 tuần”.

                    
Ông Nguyễn Minh Tâm
 
    Hàng ngày phải đối mặt với bom đạn, hy sinh, nhưng ông cùng đồng đội đều quyết tâm phải phá được bom, đảm bảo khôi phục mặt đường trong thời gian sớm nhất. Đồ dùng chỉ với xà beng, cuốc, xẻng, đòn gánh, tấm đan, cùng với sự lao động dũng cảm, cứ địch thả bom xong, TNXP lại vào rà phá, làm đường, thường chỉ 5 đến 6 tiếng là khôi phục cơ bản để xe đi lại.
    Tháng 3-1954, là thời điểm quân Pháp đánh phá ác liệt nhất, thì cũng là lúc bắt đầu vào mùa mưa, các con đường đều ngập ngụa bùn lầy, nên việc lấp hố bom rất khó khăn, TNXP phải lấy đất khô từ xa chuyển về. Dù gian khổ, hiểm nguy, nhưng TNXP vẫn luôn làm việc hối hả bằng sự đoàn kết, tương trợ nhau vượt khó với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì chiến thắng. Có lẽ đây là những ngày hào hùng mà bi tráng nhất của ông Nguyễn Minh Tâm và lực lượng TNXP. Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Đội TNXP 40, Đại đội 409 Tây Bắc của ông tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ khôi phục cầu đường.
    Năm 1955, ông Nguyễn Minh Tâm chuyển ngành về Phòng Thông Tin thuộc Ủy ban hành chính tỉnh Hưng Yên làm báo địa phương 4 năm. Năm 1959 Tỉnh đoàn Hà Tĩnh xin ông về làm công tác đoàn, làm Bí thư đoàn trường cấp III Phan Đình Phùng, thị xã Hà Tĩnh, sau 3 năm về Tỉnh đoàn làm văn phòng, tuyên huấn rồi phó bí thư Tỉnh đoàn. Tháng 10 năm 1966 được bầu làm Bí thư Tỉnh đoàn. Tháng 4 năm 1972 Đại hội Đảng bộ Tỉnh, ông được bầu vào Ủy viên BCH chính thức Tỉnh ủy. Năm 1973 ông được cử vào Ủy viên Ủy ban hành chính Tỉnh và phân công làm Trưởng ban chỉ huy công trường thủy lợi Kẻ Gỗ. Năm 1978 ông được đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc rồi về công tác tại Ban công nghiệp Trung ương Đảng (nay là Ban Kinh tế trung ương), Vụ Công nghiệp địa phương cho đến khi về hưu.
   Sau khi chuyển ngành, có thời gian ông Tâm lại sắp xếp thời gian để trở lại Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, thăm lại những đồng đội của ông đã yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ TNXP xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, chính nơi đây cũng là “nhà” của hàng trăm TNXP đã hy sinh để mở đường biên giới.

                   
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Phó bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội cùng Lãnh đạo Quận uỷ Ba Đình trao tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho ông Nguyễn Minh Tâm
 
   Sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Minh Tâm về sinh sống và tham gia sinh hoạt Đảng tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Trong mỗi phong trào của địa phương, ông đều hăng say, tâm huyết tham gia đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần. Ông trở thành những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, được bà con trong tổ dân phố tin cậy, kính trọng. Các con, cháu của ông mỗi người công tác một ngành nghề, lĩnh vực nhưng ai nấy cũng đều nghiêm túc chấp hành mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; gương mẫu trong thực hiện các phong trào tại nơi cư trú, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
    Cuối năm 2023 vừa qua, Ông Nguyễn Minh Tâm đã vinh dự được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tại Quận uỷ Ba Đình. Cuộc đời ông Tâm - Cựu Thanh Niên xung phong Đại đội 409 Tây Bắc là nhân chứng sống cho chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

                   
Các con và gia đình chụp ảnh lưu niệm trong buổi Lễ trao tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng của ông Tâm
 
    Lành lặn trở về tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, ông Nguyễn Minh Tâm - người Đại đội trưởng cựu TNXP Tây Bắc năm ấy đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng, ghi công. Chia tay ông Tâm, chúng tôi nguyện sẽ cố gắng sống và làm việc thật tốt để nhớ ơn những người đã hy sinh tuổi xuân, xương máu làm nên chiến thắng vang dội, mang lại độc lập, tự do, hòa bình cho dân tộc.
Phan Ngọc Tiến
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hồn cốt Tiên Hương - Phủ Dầy: Thủ nhang Kim Huệ và những đóng góp thầm lặng cho đời

    Nam Định  nơi được mệnh danh là  vùng đất thiêng, king đô của tín ngưỡng thờ Tam tứ phủ của người Việt  đó là Phủ Dầy....

Huyện Đảo Bạch Long Vĩ hân hoan mừng Đại lễ Phật đản và Công bố quyết định trụ trì Chùa Bạch Long - Phật Lịch.2569 DL.2024

    Hưởng ứng theo tinh thần Nghị Quyết số 27 của Ban Thường vụ Huyện ủy Bạch Long Vĩ về việc Xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, con người Bạch Long...

THANH ĐỒNG NGUYỄN THU HƯỜNG - MỘT LÒNG SỐNG TỐT ĐỜI ĐẸP ĐẠO

    Tự hào khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, lớp thanh đồng trẻ hiện...

CỰU CHIẾN BINH NGHIÊM BÁ MẠC PHÁT HUY PHẨM CHẤT “ BỘ ĐỘI CỤ HỒ” & SỰ LAN TỎA NÉT ĐẸP BÌNH DỊ TRONG CUỘC SỐNG

    Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học có cụ thân sinh là cựu đồ, ông Nghiêm Bá Mạc được sinh ra tại thôn Miêng...

ẤM ÁP TẾT SUM VẦY – XUÂN CHIA SẺ Ở QUẬN CẦU GIẤY

Sắc xuân đã và đang ngập tràn dậy hương trong từng ngôi nhà, góc phố. Qua những ngã tư, phố chợ đâu đâu cũng đào, quất, hoa tươi...