Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Văn hoá truyền thống

TÂM NGUYỆN CỦA NHỮNG “CHÀNG TRAI CẦU GIẼ” NĂM XƯA

Thứ năm , 26/12/2024 | 13:58 GMT+7
    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, hình ảnh “chàng trai Cầu Giẽ” - những chiến sỹ quên mình ngày đêm bám trụ bảo vệ huyết mạch giao thông chi viện cho tiền tuyến lớn - đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ với những dấu ấn hào hùng. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng trong ký ức của họ vẫn in đậm những ngày tháng mang khẩu hiệu đanh thép: “Không chậm một giây, không lơ là một phút, nhanh chóng cho xe đi qua, luôn luôn giữ liền mạch máu giao thông được thông suốt để cho các đoàn tàu xe tiến thẳng vào Nam, cung cấp quân lương cho tiền tuyến, đánh to và thắng lớn cho dù máu có chảy, đầu có rơi”. Trong mấy chục đơn vị thuộc lực lượng vũ trang bảo vệ cầu, chúng tôi gặp lại những chiến sỹ gan dạ thuộc đơn vị C3 công binh trực chiến bảo vệ Cầu Giẽ năm xưa.  
    Đón tiếp chúng tôi, ông Đỗ Văn Đa - Nguyên B phó đơn vị, hiện là Trưởng ban liên lạc của các cựu chiến sỹ bảo vệ Cầu Giẽ, xúc động nói:
“Khi Mỹ thua đau ở miền Nam, chúng mở rộng chiến tranh leo thang bắn phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đoàn với khí thế sục sôi đánh Mỹ, tháng 10/1966, đơn vị C3 công binh được thành lập. Những trái tim tuổi trẻ hừng hực sức sống của đoàn viên chúng tôi xung phong trực chiến, phục vụ chiến đấu, đảm bảo giao thông khu vực Cầu Giẽ. Nếu bom Mỹ làm hỏng cầu phải nhanh chóng lắp ráp cầu phà cho xe qua, bóm phá hỏng đường phải nhanh chóng san lấp hố bom và kết hợp với một số bộ phận khác phá bom nổ chậm để nhanh chóng cho đường thông, cầu thông. Nhìn chung, giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng chúng tôi vẫn lạc quan, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ cho xe thẳng tiến vào tuyến lửa”.
    Tất cả 54 cán bộ chiến sỹ mỗi người một hoàn cảnh nhưng có cùng chung quyết tâm đánh đuổi đế quốc Mỹ, bất chấp khó khăn gian khổ hy sinh bảo vệ cây cầu. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ trực, chiến đấu bảo vệ Cầu Giẽ, bến phà Cầu Giẽ mà chiến sỹ đơn vị C3 còn tham gia chuyển đạn cho các trận địa pháo để kịp thời đánh trả máy bay Mỹ. Để kết hợp hài hoà đánh trả máy bay địch, mạng lưới lửa phòng không dân quân bộ đội, kết hợp nhuần nhuyễn tạo nên thế trận phòng không toàn dân để bắn may bay Mỹ khi chúng dám xâm phạm bầu trời Hà Nội. Cầu Giẽ thời gian này là trọng điểm bắn phá với tính chất huỷ diệt nhằm chia cắt hậu phương lớn và tiền tuyến lớn được ví như một “Hàm Rồng thứ hai”. Các chiến sỹ ăn trong tiếng bom, ngủ chập chờn trong tiếng pháo nhưng Cầu Giẽ vẫn hiên ngang kiên cường bám trụ.

                 
Cụ Nguyễn Văn Ban năm nay đã ngoài 90 tuổi - Nguyên trưởng phòng giao thông thời chống Mỹ, nguyên chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên
 
    Cụ Nguyễn Văn Ban năm nay đã ngoài 90 tuổi - Nguyên trưởng phòng giao thông thời chống Mỹ, nguyên chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên 2 khoá liền chia sẻ:
“Tôi còn nhớ những năm 1967-1970, nhất là chiến dịch 12 ngày đêm 1972, hồi đó tiếng bom còn rung cả bàn làm việc. Người ở huyện nhưng tâm trí dồn cả vào Cầu Giẽ. Để đảm bảo giao thông thông suốt, quân ta quyết định mở “con đường chiến lược” từ thôn Thượng Yên xuôi Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, qua sông Nhuệ, sang xã Châu Can, xuôi Nam Hà. Với mục đích khi cầu chưa kịp thông thì xe sẽ đi bằng đường chiến lược, còn được gọi là bến phà Cầu Giẽ. Đơn vị C3 công binh cũng có nhiệm vụ bảo vệ bến phà Cầu Giẽ”.
    Trong các năm 1967, 1968, 1969, máy bay địch đánh phá Cầu Giẽ rất ác liệt. Đơn vị C3 công binh đã trực, chiến đấu 24/24h. Có ngày địch ném 5-6 tấn bom, nhưng khi máy bay chúng đi khỏi anh em trong đơn vị lại bắt tay vào khắc phục. Có lần một quả bom làm thủng cầu bê tông nhựa, anh em trong đơn vị phải lấy tấm phản và các tấm sắt, thép để khâu nối cầu, nhanh chóng cho xe qua. Có lần bom của địch xới tung hai đầu cầu phía Bắc, phía Nam, anh em phải bắc cầu phao cho xe qua.
    Với những trái tim đầy nhiệt huyết của tuổi thanh niên, từ khi thành lập năm 1966 đến khi dứt tiếng bom, hiệp đinh Pari được ký kết, đơn vị C3 đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, không để chuyến xe, tàu nào bị bỏ lại. Ngày 17/3/1969, trung tướng Song Hào đã ký quyết định phong tặng đơn vị C3 bảo vệ bến phà Cầu Giẽ là Đơn vị Quyết thắng. Khi chiến tranh phá hoại miền Bắc kết thúc, đơn vị C3 giải thể. Người về địa phương phục vụ sản xuất, người tiếp tục vào Nam chiến đấu.

                 
Cụ Nguyễn Văn Ban năm nay đã ngoài 90 tuổi - Nguyên trưởng phòng giao thông thời chống Mỹ, nguyên chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên và người lính chiến đấu cùng nhau năm xưa
 
    Để nhớ lại những tháng ngày cùng chia lửa với đồng bào miền Nam ruột thịt, được sự đồng ý của Huyện uỷ, HĐND, UNND huyện Phú Xuyên đã cho phép đơn vị C3 Cầu Giẽ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Từ đó đến nay, dù ai còn ai mất, đơn vị vẫn tổ chức gặp mặt để nhớ về một thời đạn bom...
    Nhưng một điều làm cả ban liên lạc và đồng đội của C3 trăn trở là đến tận bây giờ họ vẫn chưa được kết nạp và Hội Cựu chiến binh Việt Nam với lý do đơn vị của họ chưa được xác nhận (mặc dù có quyết định thành lập hẳn hoi). Ban liên lạc đã trình lên thành phố, Hội CCB Việt Nam và được Quyết định công nhận đơn vị C3 Cầu Giẽ - theo quyết định số 158/QĐ-TNXP Hà Nội. Đơn vị C3 còn được Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử ghi nhận: “Ban liên lạc Bạn chiến đấu, trung đội tự vệ bến phà Cầu Giẽ, Phú Xuyên thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc là do Tỉnh đội Hà Tây ký quyết định thành lập và giao cho Huyện đội Phú Xuyên quản lý và chỉ huy, lập công xuất sắc được Bộ Quốc phòng tặng Đơn vị Quyết thắng. Vì vậy đối chiếu với chương III, điều 4, Điều lệ Hội CCB Việt Nam thì các ông bà đơn vị C3 đã chiến đấu ở mặt trận Cầu Giẽ - Phú Xuyên những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, giai đoạn 1966-1972 phải được kết nạp và Hội CCB Việt Nam”. Thế nhưng gần đây trưởng ban liên lạc bạn chiến đấu bảo vệ Cầu Giẽ ông Đỗ Văn Đa đã mang đơn, tờ trình, quyết định xin được kết nạp và Hội CCB của xã. Nhưng Chủ tịch Hội CCB xã không chấp nhận lời đề nghị của ông Đa.
    Chúng tôi thiết nghĩ, lớp cán bộ trẻ đều được sinh ra và trưởng thành khi chiến tranh đã kết thúc. Những hy sinh của lớp đàn anh, họ chỉ biết qua phim ảnh, sách vở. Liệu có thiếu sót không khi các cấp hội CCB cơ sở không đáp ứng đúng yêu cầu của lớp cha anh. Qua bài viết nhỏ này, thiết nghĩ các cấp làm công tác Hậu phương - Quân đội hãy quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của các đồng chí thuộc C3 đã có cống hiến trong chiến tranh khi trở về cuộc sống đời thường vẫn mãi mãi là người lính Cụ Hồ, người cựu chiến binh gương mẫu
Xuân Hòa
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TẾT  YÊU THƯƠNG

Dù ở đâu, mỗi độ Tết đến, Xuân về luôn là dịp để những người đang đi xa nhớ về quê hương nguồn cội, nơi có ông bà, cha mẹ, nơi...

Tôn vinh truyền thống dân tộc đề cao danh nhân, xây dựng tương lai Việt Nam mạnh giàu bản sắc

Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc, những danh nhân văn hóa luôn là những ngôi sao sáng, tỏa rạng ánh hào quang, soi...

CỤM DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ – KIẾN TRÚC QUÝ GIÁ LÀNG NGỌC THAN (XÃ NGỌC MỸ, HUYỆN QUỐC OAI, THÀNH PHỐ HÀ NỘI)

Ngọc Than là một làng Việt cổ có truyền thống văn hiến từ lâu đời. Tên Ngọc Than bắt nguồn từ hình ảnh “bút Ngọc - nghiên Than” gắn...

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Xuân Mai - Người bảo tồn, gìn giữ và phát huy làn điệu Hát ví cửa đình thôn Ngọc Than

Thôn Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai) là một làng Việt cổ của xứ Đoài thơ mộng. Đây là một làng văn hiến có truyền thống khoa...

Đông Cứu: Nơi khơi nguồn cảm hứng từ những sợi chỉ

Ở Hà Nội có một ngôi làng nức tiếng với nghề độc nhất vô nhị là “thêu áo cho vua” tại làng Đông Cứu (Thường Tín)....