Điện thoại:(024) 37823877 - 0977.38.99.66

Tin tức - sự kiện

THÀNH CÔNG LỚN TỪ TỌA ĐÀM: BẢO TÀNG SINH THÁI LÀNG CỔ BÁT TRÀNG.

Thứ tư , 22/05/2024 | 14:20 GMT+7
    Vừa qua, Ban Đại diện Nhân dân làng Bát Tràng phối hợp với Công ty CP Doanh nghiệp xã hội Tinh hoa Làng nghề Việt tổ chức Toạ đàm “Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng - Những cơ hội của tương lai”.  
    Toạ đàm có trên 70 đại biểu tham dự, chủ yếu là các chuyên gia trong các lĩnh vực văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật, bảo tàng; lãnh đạo các sở, ban ngành của thành phố Hà Nội; đại diện các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp làng gốm Bát Tràng; ban đại diện nhân dân, ban quản lý di tích, đại diện 19 dòng họ và các nghệ nhân làng Bát Tràng.

                   
Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề HN phát biểu tại buổi tọa đàm
 
    Làng gốm Bát Tràng từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa nghề truyền thống của đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Gốm Bát Tràng đã trở thành thương hiệu, là địa chỉ hàng hóa đã được khẳng định chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế. Không chỉ nổi tiếng với nghề gốm truyền thống - di sản văn hoá phi vật thể trong Danh mục quốc gia, Bát Tràng còn được biết đến như một ngôi làng mang những giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc, ẩn chứa qua các công trình kiến trúc đồ sộ, hoành tráng, những lễ hội và nghệ thuật ẩm thực độc đáo… của một ngôi làng gần ngàn năm tuổi.

                   

    Trong những năm đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hoá của Bát Tràng luôn được các ngành, các cấp quan tâm tạo điều kiện và bước đầu có nhiều khởi sắc; nhận thức của người dân được nâng lên, tin tưởng đầu tư xây dựng, phát tiển. Năm 2019, Bát Tràng được công nhận Điểm du lịch của TP. Hà Nội. Năm 2022, Nghề truyền thống gốm sứ làng Bát Tràng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

                  
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tọa đàm
    Làm thế nào để làng gốm Bát Tràng phát triển hơn nữa, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái - nhân văn, giữ gìn bản sắc văn hoá và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội địa phương là mong mỏi, trăn trở của đại bộ phận người dân Bát Tràng.

                  

    Trình bày luận cứ khoa học và kết quả nghiên cứu thực tế của mình tại Bát Tràng, TS Nguyễn Thị Thu Trang, chuyên gia về bảo tàng sinh thái, khẳng định: Bát Tràng hội đủ điều kiện để triển khai mô hình Bảo tàng sinh thái. Trong mô hình này, cộng đồng cư dân làng Bát Tràng với tư cách là chủ thể văn hóa – chủ sở hữu di sản văn hóa và cũng là chủ sở hữu, tổ chức và vận hành Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng.

                 
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Chủ tịch Viện nghiên cứu Văn hóa thăng long phát biểu tại tọa đàm
 
    Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng được thiết lập theo hình thức sở hữu tập thể là cộng đồng người dân Bát Tràng. Chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước các cấp sẽ hướng dẫn và kiểm soát hoạt động của Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng theo đúng quy định của luật pháp; Các nhà khoa học đóng vai trò tư vấn và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn.

                 
Các đại biểu ký tên vào mô hình xây dựng bảo tàng tại buổi tọa đàm
 
    Mục tiêu của mô hình là: Bảo tồn "sống", bảo tồn "tại chỗ" toàn bộ cảnh quan thiên nhiên - văn hoá cùng đời sống văn hoá - xã hội, môi trường sinh thái - nhân văn của cộng đồng cư dân Bát Tràng; Làm sâu sắc thêm nhận thức của chính quyền và cộng đồng cư dân Bát Tràng về giá trị của di sản văn hoá; Xây dựng sản phẩm du lịch có tính đột phá từ tài nguyên văn hoá mang tính đặc thù của làng cổ Bát Tràng với sự tham gia của cộng đồng và dựa vào cộng đồng; Tăng cường hợp tác công - tư và phát huy cộng đồng tự quản; Gắn kết, tích hợp hoạt động bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích và phục dựng, trao truyền, phát huy di sản với phát triển Công nghiệp văn hóa, Thành phố sáng tạo; Ứng dụng lý thuyết về bảo tàng học hiện đại và bảo tàng hoá di sản trong cộng đồng; Tạo cho cộng đồng cư dân Bát Tràng và du khách thấu hiểu nhận thức mới về phát triển bền vững là: Không lãng phí tài nguyên thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường, không tạo bất bình đẳng xã hội và lhông làm suy thoái văn hóa và đạo đức.

                   
Các đại biểu tại buổi tọa đàm
 
    Nêu ý kiến tại buổi Toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, một trong những giải pháp cần quan tâm là Luật Di sản sẽ được điều chỉnh thế nào để xây dựng Bảo tàng sinh thái ở nước ta. "Chúng ta cần củng cố và phát huy các không gian sáng tạo của Hà Nội (ví dụ từ khu vực Hoàn Kiếm qua khu vực sông Hồng, đến các làng nghề...). Ngoài ra, cũng cần tư duy kết nối, có sự đồng thuận của chính quyền, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, cộng đồng làng...".
    Hoạ sĩ Thành Chương cho rằng, bản thân Bát Tràng đã là một hệ sinh thái, cái chính là ứng xử và gìn giữ ra sao để nâng tầm giá trị. Để làm được điều này, cần sự chung tay của các cấp, các ngành.
    Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội bày tỏ tin tưởng người dân Bát Tràng sẽ thành công với mô hình bảo tàng sinh thái. Qua đó sẽ lưu giữ cho thế hệ mai sau những giá trị tốt đẹp, cũng như góp phần phát triển kinh tế, gắn văn hóa với du lịch làng nghề.
    TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện NCVH Thăng Long cho rằng, chọn Bát Tràng là đúng chỗ, hội tụ đủ mọi điều kiện, chỉ còn triển khai sao cho tốt. "Muốn tốt phải có sự đồng thuận của tất cả dân làng, kể cả người làm gốm hoặc không làm gốm. Cần chuẩn bị sẵn Hương ước mới với những điều khoản cụ thể của thời đại mới. Và phải giữ được bản sắc đặc trưng của Bát Tràng".
    Nghệ nhân Trần Đức Tân; Nghệ nhân Tô Thanh Sơn cùng một số ý kiến trong Ban đại diện Nhân dân đều cho rằng rất phấn khởi khi được tham dự Tọa đàm và nhất trí, đánh giá cao việc xây dựng Bảo tàng sinh thái Làng Bát Tràng, đồng thời cũng cho rằng Bát Tràng có đủ mọi điều kiện để trở thành Bảo tàng sinh thái. "Vấn đề là vào cuộc thế nào và ứng xử thế nào? Thay mặt bà con, chúng tôi sẵn sàng đồng hành để mô hình này sớm thành hiện thực".
Tại cuộc toạ đàm, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định vai trò của người dân làng Bát Tràng trong việc này rất quan trọng và phải luôn hướng tới lợi ích của người dân. "Khi người dân có được lợi ích từ việc thiết lập Bảo tàng sinh thái đó thì sẽ đồng thuận cao. Điều quan trọng thứ 2 là vai trò và sự ủng hộ, tạo cơ chế của Nhà nước trong việc này. Cuối cùng là vai trò của các cá nhân và các tổ chức xã hội cùng chung tay với người dân để dự án Bảo tàng sinh thái làng Bát Tràng sớm được triển khai, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của làng cũng như phát triển du lịch, phát triển kinh tế của địa phương".
    Nhiều chuyên gia cũng cho rằng từ kết quả bước đầu của cuộc tọa đàm này, Ban đại diện nhân dân Bát Tràng, đặc biệt là vai trò khởi xướng và kết nối của Công ty CP DNXH Tinh hoa Làng nghề Việt cần sớm đánh giá rút kinh nghiệm và chuẩn bị tốt nội dung cho các cuộc tọa đàm, hội thảo tiếp nối trong thời gian gần nhất để Bảo tàng sinh thái Bát Tràng sớm trở thành hiện thực.

                
Bảo tàng sinh thái Bát Tràng - Hà Nội
 
    Bảo tàng sinh thái được thiết lập tại Bát Tràng sẽ giúp cho các nét văn hóa đặc sắc của Bát Tràng tiếp tục “sống” trong môi trường văn hóa làng cổ, cộng đồng chủ thể được hưởng lợi, kinh tế-xã hội của địa phương được nâng cao. Đó là những lợi ích hiện hữu trước mắt. Hơn thế nữa, hình ảnh Bát Tràng nói riêng và Hà Nội nói chung được tôn vinh, văn hóa địa phương và quốc gia được bảo tồn, phát huy và mở rộng hội nhập bằng kênh du lịch văn hóa. Đó là những lợi ích lớn hơn nhiều và mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp hơn nữa trong quá trình xây dựng và phát triển.
Trần Miêu
Bình luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

CHUNG MỘT NHỊP ĐẬP TRÁI TIM NHÂN ÁI

    Vừa qua, đoàn thiện nguyện Chung một nhịp đập Sài Gòn do bác sĩ Bùi Xuân Huân - Giám đốc chuyên môn bệnh viện thẩm mỹ Siam...

Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn Quận Ba Đình

  Công an quận Ba Đình đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền phát động phong trào thi đua tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng vũ...

KHAI TRƯƠNG CỬA HÀNG DÂN SINH TẠI PHÚ THỌ, HƯNG YÊN - CAM KẾT SỨ MỆNH ĐƯA AN SINH ĐẾN MỌI MIỀN.

    Với sứ mệnh mang lại hạnh phúc, ổn định và phát triển bền vững, mới đây Ông Hồ Quốc Thân - Chủ tịch Công ty Cổ phần Triệu Nụ Cười...

Herbalife Việt Nam đồng hành cùng giải VnExpress Marathon Nha Trang lần thứ ba liên tiếp để khuyến khích lối sống năng động

    Việt Nam, ngày 11 tháng 8 năm 2024 – Herbalife Việt Nam, một trong những công ty hàng đầu về sức khỏe và thể chất, tiếp tục là đối tác...

Quận ủy Cầu Giấy: TỔNG KẾT VÀ TRAO GIẢI CUỘC THI CHÍNH LUẬN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG LẦN THỨ IV.

    Ngày 6/8/2024 Quận ủy Cầu Giấy, Hà Nội vừa tổng kết và trao giải cuộc thi chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ IV, năm 2024...